Ngành nuôi tôm ở Việt Nam đang bị đe doạ bởi sự bùng nổ của nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra, tỉ lệ chết lên đến 100% trong thời gian ngắn. Dưới đây là một số phương pháp để kiểm soát bệnh AHPND trong nuôi tôm.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm VpAHPND, tôm gống phải đảm bảo sạch bệnh, có nguồn gốc cung cấp uy tín. Trong ao, VpAHPND có thể được tìm thấy dưới dạng màng sinh học trong trầm tích hoặc tồn tại dưới dạng vi khuẩn sống tự do. Chính vì thế, đáy ao phải được làm sạch bằng cách khử trùng, loại bỏ bùn, phơi khô và bón vôi trước khi thả giống để giảm nguy cơ nhiễm VpAHPND.
Mức độ VpAHPND trong ao nuôi sẽ tăng hoặc giảm dựa trên lượng hữu cơ trong ao. Do đó, việc kiểm soát việc cho ăn là chìa khóa để số lượng VpAHPND ở mức thấp. Căng thẳng có thể làm ức chế hệ miễn dịch, làm tăng tính nhạy cảm của chúng với nhiễm trùng. Do đó, hạn chế stress và cải thiện sức khỏe tôm là rất quan trọng để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Điều này bao gồm việc duy trì các thông số chất lượng nước và mật độ nuôi tối ưu.
Do những vấn đề của việc sử dụng kháng sinh, liệu pháp phage đã trở thành một phương pháp thay thế đầy hứa hẹn để kiểm soát các bệnh do vi khuẩn. Thực khuẩn thể (bateriophages) là vi rút tiêu diệt vi khuẩn. Một trong những ưu điểm của việc sử dụng phage là chúng có khả năng tự tái tạo, chỉ tác động vào vi khuẩn mục tiêu, tương đối rẻ và dễ áp dụng trên ao nuôi (qua thức ăn hoặc thả trực tiếp vào nước).
Liệu pháp phage đã chứng minh được thành công trong việc kiểm soát các bệnh do Vibrio trên tôm và cho thấy có tiềm năng kiểm soát bệnh AHPND. Trong một nghiên cứu, tôm được bổ sung thực khuẩn pVp-1 trước và sau khi tiếp xúc với VpAHPND cho thấy khả năng bảo vệ đáng kể, tỷ lệ tử vong 25-50%, trong khi các nhóm đối chứng (không được điều trị bằng thực khuẩn pVp-1, chỉ tiếp xúc với VpAHPND) cho thấy tỷ lệ tử vong là 100% (Jun và cộng sự, 2018).
Thảo dược có chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, phổ kháng khuẩn rộng đối với nhiều tác nhân gây bệnh và không gây ra hiện tượng kháng khuẩn bao gồm: alkaloids, glycosides, polyphenols, và terpenes. Bên cạnh đó, thảo dược có sẵn tại địa phương, có thể dễ dàng tìm kiếm, khả năng phân hủy sinh học và không gây tác động bất lợi cho môi trường.
Chất chiết trà xanh được ghi nhận có hiệu quả kháng nhiều loài vi khuẩn gây bệnh ở động vật thủy sản. Cụ thể, dịch chiết trà xanh có khả năng ức chế vi khuẩn V. parahaemolyticus với đường kính vòng kháng khuẩn từ 14,4 đến 16,4 mm, do đó có tiềm năng kiểm soát V. parahaemolyticus trong quá trình ương tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn giống (Kongchum et al., 2016). Trên thực tế, người nuôi tôm tỉnh Quảng Ninh và Nghệ An đã sử dụng diệp hạ châu bằng cách đun sôi và trộn vào thức ăn hàng ngày cho tôm để phòng bệnh gan tụy cấp và tăng cường miễn dịch cho tôm nuôi (Tran Thi Kim Chi et al., 2017).
Chế phẩm sinh học đối kháng với V. parahaemolyticus là một chiến lược thay thế cho thuốc kháng sinh và là xu hướng chung để kiểm soát bệnh AHPND. Probiotics được bổ sung vào thức ăn hoặc nước để: cải thiện chất lượng nước, tăng cường phản ứng sinh lý và miễn dịch cho tôm và giảm sử dụng hóa chất và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Chúng có thể sử dụng một mình hoặc kết hợp với prebiotics hoặc chất kích thích miễn dịch (như β-1,3-glucan). Các probiotic được sử dụng trong nuôi tôm hầu hết thuộc nhóm: Bacillus, Lactobacillus, Enterococcus, Saccharomyces…
Bệnh AHPND trên tôm nuôi
Tại Việt Nam, Bacillus là nhóm vi khuẩn được sử dụng phổ biến bởi các đặc tính: cạnh tranh với các vi khuẩn gây bệnh và sản sinh ra chất kháng khuẩn (bacteriocins). Đặc biệt, một nghiên cứu đã chứng minh Bacilllus licheniformis có khả năng đối kháng với V. parahaemolyticus gây AHPND bằng phương pháp khuếch tán đĩa với đường kính vòng kháng khuẩn là 15 mm. B.licheniformis ở nồng độ 105, 106, 107 CFU/mL có thể ức chế hoàn toàn sự phát triển của V. parahaemolyticus ở nồng độ 104, 105, 106, 107 CFU/mL trong 24 giờ.
Nuôi ghép cũng là một phương pháp phổ biến và khá hiệu quả trong việc giảm AHPND (Tran et al. 2014). Ở Việt Nam, nuôi ghép cá rô phi rất phổ biến, bao gồm việc nuôi chung cá rô phi với tôm hay luân canh cá rô phi-tôm. Các tác dụng của cá rô phi có thể kể đến như: làm sạch đáy ao; ăn tôm chết do đó ngăn chặn lây truyền bệnh qua đường ăn thịt đồng loại; kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi và tảo để hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.
Theo Trần Minh Long và Phạm Thị Hoa (2018), việc sử dụng hệ sợi nấm kiểm soát dịch bệnh AHPND trên tôm với lợi thế chi phí thấp và thân thiện với môi trường là một phương pháp đầy tiềm năng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ sợi nấm Pycnoporus sanguineus có khả năng loại bỏ 99% vi khuẩn V.parahaemolyticus, mặc dù tỉ lệ sống của tôm thẻ còn thấp, khoảng 65% sau thí nghiệm.
Tăng cường hệ thống miễn dịch của tôm thông qua “Vắc xin” Vibrio đã được nghiên cứu từ đầu những năm 90. Những phát hiện ban đầu về sự tồn tại của một hệ thống miễn dịch thích ứng thay thế ở tôm đã khiến việc tiêm phòng trở nên hứa hẹn hơn. Vắc xin Vibrio duy nhất được biết đến là AquaVac™ Vibromax™ của một công ty có trụ sở tại Anh. Nó chứa mầm bệnh vibrio bất hoạt, chống lại V.anguillarum, V.harveyi, V.parahaemolyticus và V.vulnificus ở tôm. Wongtavatchai và cộng sự. (2010) báo cáo tôm post sú và thẻ, được cho ăn Artemia có Vibromax™ trong 10 ngày liên tục trước khi tiếp xúc với V.parahaemolyticus cho thấy sự tăng cường tăng trưởng và tỷ lệ sống.
Một nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Hoa và ctv (Khoa thủy sản, Đại học Cần Thơ) đã cho thấy thức ăn bổ sung IgYB giúp cải thiện tỉ lệ sống và tăng cường miễn dịch ở tôm thẻ khi cảm nhiễm với V. parahaemolyticus. Một lượng lớn IgY có thể được sản xuất dễ dàng với chi phí thấp, đã làm cho phương pháp này trở thành một công cụ đầy hứa hẹn để ngăn ngừa AHPND trong các trang trại.
Các dòng tôm kháng bệnh đã được phát triển thành công và hiệu quả trong việc kiểm soát các bệnh do vi rút ở tôm, chẳng hạn như vi rút hội chứng Taura (TSV). Một chiến lược tương tự để phát triển các dòng kháng AHPND có thể được thực hiện, các dòng tôm có thể kháng AHPND nếu chúng có thể hạn chế sự xâm nhập của VpAHPND hoặc kháng độc tố PirABvp của vi khuẩn. Hiện tại, các chương trình chọn tạo giống tôm thẻ kháng AHPND đang được tiến hành ở Mexico và Thái Lan. Đặc biệt, chương trình chăn nuôi CP Thái Lan đã báo cáo tỷ lệ sống sót trong điều kiện thử thách được cải thiện từ 30% lên 85%.
Nhìn chung, để giảm thiểu rủi ro AHPND trong nuôi tôm, chúng ta phải có một cách tiếp cận tổng thể bao gồm: an toàn sinh học, chất lượng tôm giống, đa dạng hệ vi sinh trong cả ruột và ao tôm và quản lý môi trường nuôi tốt.
nguon: tepbac