Bến cá 43 tỉ hoang phế, lãng phí đầu tư

Ngày đăng: 09/11/2021 03:30 PM

    Bến cá 43 tỉ hoang phế, lãng phí đầu tư

    Bến cá 43,6 tỉ đồng hoang phế nhiều năm qua. Ảnh Minh Hải

     

    Được đầu tư hơn 43 tỉ đồng để tàu thuyền của ngư dân neo đậu, bán hải sản… nhưng hơn 4 năm qua, bến cá xã Hoằng Phụ (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) không phát huy được hiệu quả mà bỏ hoang, lãng phí tiền đầu tư.

    Hoang phế hơn 4 năm

    Năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đầu tư, nâng cấp bến cá xã Hoằng Phụ (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) với mức đầu tư hơn 46 tỉ đồng. Đây là một trong những tiểu dự án thuộc Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa, vốn vay Ngân hàng Thế giới, do Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh, giảm số tiền đầu tư xuống còn 43,6 tỉ đồng, và bắt đầu triển khai xây dựng.

    Theo thiết kế, dự án gồm nhà điều hành, sân bến, cọc neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, cấp thoát nước, bể xử lý nước thải, đắp đất, kè bờ bao, hai nhà tiếp nhận và phân loại thủy hải sản… và nhiều công trình phụ trợ khác. Sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo điều kiện cho việc bốc dỡ, sơ chế, bảo quản và làm dịch vụ cho khoảng 5.400 tấn thủy sản/năm, cung cấp dịch vụ hậu cần và làm nơi neo đậu, tránh bão cho tàu thuyền trên địa bàn xã Hoằng Phụ và các vùng lân cận.

    Đến tháng 5.2017, sau khi hoàn thành, công trình được bàn giao cho UBND xã Hoằng Phụ quản lý, vận hành. Tuy nhiên, từ khi bàn giao đến nay (hơn 4 năm), bến cá không thể hoạt động như thiết kế do luồng lạch bị bồi lắng, tàu thuyền lớn nhỏ không thể vào bến cá để neo đậu, bán hải sản.

    Ông Nguyễn Đức Long (56 tuổi, người dân sống gần bến cá Hoằng Phụ), cho hay: "Bến cá khi mới xây dựng đẹp, khang trang, đường đi lối lại thuận tiện cho tàu thuyền vào bán hải sản và neo đậu, nhưng không ngờ lại không phát huy tác dụng. Dân xã Hoằng Phụ chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề đi biển, từ xưa đến nay do không có bến cá nên phải chạy sâu vào trong, vào khu vực đông dân cư đi bán hải sản, mà phía trong đó chật chội, ô nhiễm lắm. Nhu cầu bức thiết nhiều năm qua là có bến cá, đến lúc được đầu tư xong thì lại không sử dụng được”.

    Hiện hàng trăm tàu thuyền của ngư dân xã Hoằng Phụ và các xã lân cận vẫn phải neo đậu sâu bên trong sông Cung, cách bờ biển khoảng 2 km. Khu vực neo đậu đông đúc dân cư nhất xã Hoằng Phụ, đường đi lối lại chật hẹp, cộng thêm hoạt động chế biến hải sản của các hộ dân đã và đang khiến môi trường bị ô nhiễm, bức bí, nhất là vào mùa hè.

    Vẫn đang trình…

    Trước tình trạng bến cá không phát huy hiệu quả nếu còn để chính quyền nắm giữ quyền quản lý, tháng 4.2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản giao UBND H.Hoằng Hóa chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các bước đánh giá, xác định tài sản, xây dựng đề án, tổ chức đấu giá tìm nhà đầu tư để tiếp quản, đầu tư và phát huy hiệu quả bến cá này. Tuy nhiên, hết tháng 10.2021, UBND H.Hoằng Hóa vẫn chưa hoàn tất công việc UBND tỉnh Thanh Hóa giao từ năm 2019, dẫn tới bến cá 43,6 tỉ đồng vẫn chỉ là một dự án hoang phế, lãng phí.

    Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, thừa nhận bến cá rơi vào tình trạng không hoạt động được theo như thiết kế kể từ khi hoàn thành xây dựng cho đến nay. Theo ông Bình, nguyên nhân do luồng lạch bị bồi lắng, tàu thuyền không thể ra vào, dù những năm đầu UBND xã Hoằng Phụ có tổ chức máy bơm nạo vét bùn nhưng không xuể.

    Liên quan đến việc chuyển đổi mô hình quản lý cho doanh nghiệp để phát huy hiệu quả, tránh lãng phí, ông Bình cho hay: “Việc lập đề án và các công việc liên quan đến đánh giá tài sản, chuyển đổi mô hình quản lý là do UBND H.Hoằng Hóa triển khai, nên tôi không nắm rõ. Từ khi bàn giao cho xã đến nay, chúng tôi vẫn trông coi, quản lý. Ban đầu chúng tôi có dùng máy bơm, máy múc để nạo vét luồng lạch, nhưng không lại được”.

    Ngày 2.11, trao đổi với phóng viên về việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa từ năm 2019 nhưng tại sao đến nay vẫn chưa xong, ông Lê Huy Cường, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hoằng Hóa, nói: “Vẫn đang trình, đang trong giai đoạn trình UBND tỉnh để phê duyệt phương án tài chính, sau đó mới đấu giá được, mới chọn nhà thầu”.

    Như vậy, sau hơn 4 năm, cảng cá hơn 43 tỉ đồng vẫn tiếp tục bỏ không, dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND H.Hoằng Hóa tìm cách “giải thoát” cho cảng cá này từ năm 2019.

     

    Báo Thanh Niên

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline