Đảm bảo môi trường nước ao nuôi tôm trong mùa nắng nóng

Ngày đăng: 14/07/2021 02:17 PM

    Đảm bảo môi trường nước ao nuôi tôm trong mùa nắng nóng

    Thu hoạch tôm
    Thu hoạch tôm nuôi ở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

    Thời tiết năng nóng rất dễ làm các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi đột ngột làm tôm nuôi bị sốc, phát sinh dịch bệnh hoặc chết yểu.

    Môi trường dễ thay đổi khi nắng nóng

    Anh Nguyễn Văn Tuấn, một người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết, gia đình anh có 3 ao nuôi tôm với diện tích gần 3.000 m2. Ở vụ đầu, anh thu với sản lượng gần 7 tấn, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 100 triệu đồng. Thời điểm này anh đang thả nuôi vụ 2 được gần 2 tháng.

    Tuy nhiên thời gian vừa qua, thời tiết trên địa bàn liên tục xảy ra các đợt nắng nóng. Điều này rất dễ làm các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi đột ngột làm tôm nuôi bị sốc, phát sinh dịch bệnh hoặc chết yểu.

    Do đó, để tôm sinh trưởng và phát triển tốt, thời gian qua anh luôn tức trực duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,2 m trở lên. Đồng thời các máy quạt nước, anh đều cho chạy liên tục nhằm tránh sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng nước.

    Anh Tuấn còn cho biết, ngoài các biện pháp chống nóng cho môi trường nước ao tôm trên, anh còn điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

    Còn anh Lê Minh Chính, một người nuôi tôm thẻ chân trắng theo 3 giai đoạn áp dụng công nghệ Semi biofloc cũng ở xã Ninh Phú cho biết, để chủ động phòng tránh ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, quá trình ương giống anh đều dùng lưới lan che nắng. Khi tôm ương chuẩn bị đưa xuống ao cấp 2, anh bắt đầu kéo lưới lan ra từ từ để cho nhiệt độ giữa ao cấp 2 với ao cấp 1 nó tương đồng nhiệt độ mới đưa tôm xuống.

    Bên cạnh đó, khi đưa tôm xuống ao nuôi cần gây tảo nhằm tạo lớp màng che giảm nhiệt độ, giúp tôm tránh bị sốc nhiệt. Đặc biệt lưu ý trong mùa nắng nóng người nuôi cần thả tôm mật độ vừa phải, các ao nuôi phải duy trì mực nước từ 1,2m trở lên.

    “Thời gian qua nhờ chú trọng các giải pháp trên nên dù thời tiết nắng nóng song tôm nuôi vụ 2 của gia đình tôi vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Với diện tích thả nuôi 1,5 ha, mỗi ao khoảng 1.500m2 hiện đều đạt sản lượng trung bình khoảng 2 tấn/ao. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa tôi sẽ bắt thu hoạch, hứa hẹn được mùa bội thu”, anh Chính chia sẻ.

    quạt nước ao nuôi
    Thời tiết nắng nóng các ao nuôi  tôm phải duy trì mực nước trên 1,2m. Ảnh: KS.

    Khuyến cáo

    Qua tìm hiểu được biết, vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã có công văn về việc tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng năm 2021. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cũng đã có những cảnh báo thời tiết nắng nóng gay gắt trong nuôi trồng thủy sản.

    Theo đó, thời quan gần đây, các tỉnh Nam Trung bộ, đặc biệt từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa thời tiết nắng nóng gay gắt. Kết quả khảo sát thực tế ở địa phương cho thấy, tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung bộ, nhiệt độ nước tăng cao từ 33oC trở lên trong các ao nuôi thủy sản, cũng như trong các đầm/vịnh vào thời điểm từ 13 – 15 giờ trong ngày. Điều này gây bất lợi cho sức khỏe thủy sản nuôi.

    Trước tình hình trên, nhằm chủ động phòng tránh ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và đảm bảo kế hoạch sản xuất nuôi trồng thủy sản của tỉnh, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã đề nghị các địa phương hướng dẫn người nuôi một số biện pháp tăng cường quản lý về đối tượng nuôi.

    Theo ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa khuyến cáo đối với tôm nuôi nước lợ, người nuôi cần sử dụng lưới lan che trên bề mặt để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho tôm nuôi. Đặc biệt, luôn duy trì mực nước trong ao trên 1,2m.

    Bên cạnh đó, hàng ngày người nuôi cần xi phông kỹ đáy ao và chủ động tích trữ nguồn nước sạch để cấp vào ao nuôi khi cần thiết như thấy pH cao, tảo phát triển dày, nhiệt độ nước cao. Tuy nhiên việc cấp nước vào ao nuôi phải từ từ, khoảng 20-30% lượng nước trong ao, cấp vào lúc trời mát, cấp nước cần qua ao lắng và xử lý.

    Thêm vào đó, cần tăng cường quạt nước nhằm hạn chế sự phân tầng của nước trong ao nuôi và cung cấp đủ oxy cho tôm, đặc biệt vào ban đêm. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra tôm nuôi, bổ sung thêm vào trong thức ăn vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng gay gắt. Khi thấy tôm nuôi có hiện tượng bất thường, tôm bỏ ăn, màu sắc tôm nhợt nhạt,.. thì có thể thu hoạch sớm để tránh thiệt hại kinh tế.

    Theo ông Võ Khắc Én, để phòng chống nắng nóng cho nuôi thủy sản bằng lồng, bè trên đầm vịnh, người nuôi cần hạn chế thả mới, cũng như thu gom các lồng, bè không có thủy sản nuôi nhằm tạo sự thông thoáng cho mặt nước khi thời tiết nắng nóng kéo dài.  Đối với những nơi có hàm lượng vật chất hữu cơ nhiều thì cần đặt lồng nuôi cách đáy khoảng 1,5-2,0 m. Bố trí khoảng cách giữa các lồng nuôi đảm bảo độ thông thoáng, thuận tiện trong quá trình chăm sóc, quản lý, vệ sinh lồng nuôi. Đảm bảo khoảng cách giữa các bè nuôi tối thiểu 50m.

    Thường xuyên vệ sinh lưới lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để tăng lưu tốc dòng chảy, nhằm cải thiện chất lượng nước, tăng hàm lượng oxy trong nước. Giảm 50-70% lượng thức ăn cho ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những lúc nắng nóng gay gắt. Thường xuyên lặn, kiểm tra theo dõi sức khỏe thủy sản nuôi cùng với việc thu gom thức ăn thừa, vỏ lột, xác thủy sản chết. Khi phát hiện môi trường nước tại vùng nuôi diễn biến bất thường hoặc thủy sản chết, cần sớm thông báo đến các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời...

    Kim Sơ-Minh Hậu

    Nông nghiệp Việt Nam

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline