ĐBSCL: Hiện trạng sức khỏe và bệnh trên tôm thẻ thâm canh

Ngày đăng: 09/11/2021 03:25 PM

    ĐBSCL: Hiện trạng sức khỏe và bệnh trên tôm thẻ thâm canh

    Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) được xem là loài có giá trị kinh tế quan trọng, được nuôi phổ biến khắp 08 tỉnh ven biển ĐBSCL

     

    Tôm thẻ chân trắng ở hình thức thâm canh với năng suất trung bình đạt trên 8 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về diện tích, quy mô đầu tư và việc kiểm soát môi trường vùng nuôi còn nhiều hạn chế đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường nước dẫn đến gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong vùng.

    Hầu hết người nuôi thường xuyên bổ sung các chất bổ trợ như: men vi sinh, acid hữu cơ, vitamin, hoạt chất kháng khuẩn có nguồn gốc từ thực vật, kháng sinh và khoáng vi lượng chiếm 73,33% đến 95% để kiểm soát các tác nhân gây bệnh và giúp tôm tăng trưởng. Trong đó, để kiểm soát các bệnh thường gặp, 75% hộ nuôi sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh trong quá trình nuôi. Xu hướng nuôi thâm canh trong thủy sản ngày càng phát triển là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh bùng phát phức tạp và thường xuyên hơn. Kết quả điều tra cho thấy các bệnh nguy hiểm như và bệnh phân trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp  xuất hiện với tỷ lệ lớn nhất 81,67% đến 95,63%.

     

    1 số bệnh trên tôm

    Phương pháp quản lý sức khỏe và một số bệnh tôm thường gặp.

     

    Bệnh đốm trắng (WSD) và vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) chỉ chiếm tỷ lệ thấp lần lượt 31,67% và 15,83% nhưng thường gây thiệt hại lớn cho hộ nuôi. Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2009, sau đó ở Việt Nam vào năm 2010, rồi đến Thái Lan và Malaysia vào năm 2011 (Lightner ctv., 2012; Flegel, 2012). Thời gian xuất hiện dấu hiệu bệnh hoại tử gan tụy cấp sớm nhất từ ngày nuôi thứ 17 và muộn nhất vào ngày thứ 77 (nhiều nhất từ 20-45 ngày và tập trung ở giai đoạn 19-31 ngày tuổi), được ghi nhận trong đợt khảo sát ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (Lê Hồng Phước và ctv, 2012). Gần đây, vi bào tử trùng (EHP) cũng được xem là có liên quan đến bệnh phân trắng (WFD) trên tôm thẻ chân trắng ở Thái Lan (Flegel, 2012).

    Nhìn chung, các loại bệnh truyền nhiễm gây bệnh trên tôm thường xuyên xảy ra trong thời gian khảo sát, tập trung vào những thời điểm bất lợi của diễn biến thời tiết như nắng nóng hay mưa lớn kéo dài làm cơ hội bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, sự không tuân thủ đúng theo quy trình khuyến cáo của nhà chuyên môn của người nuôi tôm như thả nuôi không đúng thời vụ, cải tạo ao nuôi không đúng quy trình, con giống không đạt tiêu chuẩn, quản lý chất lượng nước hay cho ăn không hợp lý….điều này góp phần gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

     

    AHPND
    Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND).

    Đề xuất giải pháp nâng cao năng suất tôm

    Quản lý bệnh tôm: bổ sung vào thức ăn cho tôm ăn hàng ngày các hoạt chất có nguồn gốc từ thảo dược có hoạt chất kháng khuẩn và các acid hữu cơ (acid lactic, acid formic aci butylic) giúp giảm pH trong ruột tôm để kiểm soát bệnh tôm do vi khuẩn gây bệnh. Việc sử dụng hóa chất và kháng sinh quá mức, không đúng quy định, có thể tác động đến môi trường và đến hệ sinh thái. Dư lượng kháng sinh còn có thể tồn lưu trong môi trường nuôi hoặc thậm chí để lại dư lượng trong sản phẩm thủy sản dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh của các loài vi khuẩn gây bệnh trên tôm, cá. Do đó cần tầm soát bệnh do vi khuẩn Vibrio spp. trên tôm để có giải pháp xử lý bệnh kịp thời. Khi phát hiện dấu hiệu các bệnh do vi khuẩn gây ra, nên sử dụng phương pháp kháng sinh đồ để lựa chọn đúng loại kháng sinh để điều trị bệnh do vi khuẩn, tránh gây lờn thuốc và gia tăng áp lực kháng sinh để phòng bệnh. 

    Trong nghiên cứu của Chaweepack và ctv. (2015) cho thấy trộn chất chiết xuất từ củ riềng vào thức ăn có khả năng ngừa bệnh phân trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Khả năng diệt khuẩn của dịch chiết lá sim và dịch chiết hạt sim (Rhodomyrtus tomentosa) đối với các chủng vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (V. parahaemolyticus) cũng được xác định là hiệu quả trong điều kiện phòng thí nghiệm (Đặng Thị Lụa, 2015).

    Trong số các bệnh đã biết tác nhân thì bệnh đốm trắng vẫn là bệnh nguy hiểm cần được chú trọng đề phòng bằng cách chọn giống không nhiễm WSSV và thực hiện tốt việc quản lý dịch bệnh trong suốt vụ nuôi. Theo nghiên cứu của Karen và ctv. (2014) việc trộn mannan oligosaccharide (MOS) and β-glucan vào thức ăn liều 0,2% giúp ngừa bệnh đốm trắng và giảm hệ số FCR. Có rất nhiều loài động vật thủy sinh bao gồm giáp xác, động vật không xương sống, sinh vật phù du bao gồm cả động vật phù du và thực vật phù du được xác định là vật mang WSSV gây bệnh đốm trắng cho tôm nuôi (Lo và ctv., 1996). 

    Minh Tuấn

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline