Doanh nghiệp ngành tôm lo bị ảnh hưởng bởi làn sóng người về từ TP.HCM

Ngày đăng: 05/10/2021 10:04 AM

    Doanh nghiệp ngành tôm lo bị ảnh hưởng bởi làn sóng người về từ TP.HCM

    Trước làn sóng người về quê, nhiều tỉnh miền Tây đã áp dụng các biện pháp như dừng cấp giấy đi đường, siết chặt giãn cách. Các doanh nghiệp ngành tôm lo chịu ảnh hưởng gián tiếp.

    Chiều 4/10, nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bán tôm thẻ với giá giảm 1.000-3.000 đồng/kg so với một ngày trước. Thương lái lấy lý do các địa phương ngưng cấp giấy đi đường nên lực lượng thu hoạch tôm ngại đi lại giữa các xã, huyện.

    Việc ngưng cấp giấy đi đường và những giấy đã cấp không còn giá trị sử dụng được áp dụng từ 9h ngày 3/10, theo yêu cầu của Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng. Yêu cầu này của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cùng với việc đề nghị người dân hạn chế đi đường khi 3 ngày qua có hàng chục người dân từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đi xe máy về Sóc Trăng.

     

     

     

    Lo gia tom the giam anh 1

    Nuôi và chế biến tôm là ngành mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trường Giang.

     

    Hiện tại, có khoảng hàng chục nghìn người miền Tây đã hồi hương. Nhiều nhất là Sóc Trăng với khoảng 40.000 người, An Giang 28.000 người, Kiên Giang 19.000 người, Đồng Tháp 16.300 người, Cà Mau 11.800 người, Bạc Liêu 11.000 người và Trà Vinh gần 10.000 người.

    Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh

    Anh Lưu Trường Giang, đại diện một doanh nghiệp thủy sản ở huyện Trần Đề cho biết ngày 3/10, tôm thẻ loại 20 con một kg giá 230.000 đồng, giảm nhẹ xuống 227.000 đồng/kg vào chiều 4/10.

    Tôm thẻ các kích cỡ khác công ty của anh Trường Giang cũng mua giảm 1.000-3.000 đồng/kg. Cụ thể, loại 25 con/kg còn 173.000 đồng, loại 30 con/kg giá 153.000 đồng...

    Theo anh Giang, việc người dân hạn chế ra đường và không có giấy đi đường có thể kéo theo hệ lụy là giá tôm các loại sẽ giảm vào những này tới.

    Tuy nhiên, anh Hoàng Thảo, chủ doanh nghiệp sơ chế tôm thẻ ở xã Song Phụng (huyện Long Phú, Sóc Trăng), lại cho rằng giá loại thủy sản này tăng so với những ngày trước. Tôm thẻ 200 con/kg giá 56.000 đồng ngày 3/10 tăng lên 58.000 đồng/kg vào ngày 4/10.

    “Giá giảm có thể ở một số loại tôm lớn vì sắp đến lễ Đôn Ta của đồng bào Khmer nên công nhân xin nghỉ nhiều, nhà máy ít người làm hơn những ngày trước. Còn tôm kích cỡ nhỏ vẫn cao. Giá này cao hơn lúc trước trên 10.000 đồng/kg”, anh Thảo nói.

    Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cũng khẳng định giá tôm thẻ không giảm. Doanh nghiệp này mua tôm loại 20 con/kg giá 235.000-240.000 đồng/kg, loại 25 con/kg giá 175.000 đồng, loại 30 con/kg giá 155.000 đồng...

     

    Lo gia tom the giam anh 2

    Thu hoạch tôm thẻ tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh: Trường Giang.

    Theo ông Phục, lúc này doanh nghiệp đã không còn áp dụng 3 tại chỗ, cho công nhân về nhà mỗi ngày. Vì vậy, trước làn sóng người dân từ TP.HCM về quê ồ ạt, các doanh nghiệp sợ có sự tiếp xúc gần giữa công nhân với người thân thuộc nhóm hồi hương.

    Ông này dự báo nếu các địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt, giá tôm thẻ có thể tăng thêm 5-10%. Trong khi gần tới dịp Giáng sinh, thị trường Mỹ tiêu thụ tôm rất tốt.

    "Trong những tháng vừa rồi, chúng tôi không làm hàng chế biến sâu. Hiện tại, nhu cầu hàng chế biến sâu đang tăng rất mạnh ở châu Âu và Nhật Bản”, lãnh đạo doanh nghiệp trong khu công nghiệp An Nghiệp chia sẻ.

    Công nhân tạm ngưng đi làm bằng xe máy

    Ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết sau khi áp dụng các quy định bình thường mới toàn tỉnh, công nhân trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp An Nghiệp đạt khoảng 70-80%. Hai ngày qua, công nhân giảm 10-20% do đơn vị yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng cho công nhân đi làm bằng xe máy.

    “Hai hôm nay có rất nhiều người từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ về Sóc Trăng bằng xe máy. Dọc đường không biết bà con có dừng ở đâu hay đổ xăng hay không. Do đó, chúng tôi tạm thời không cho công nhân của khu công nghiệp An Nghiệp đi làm bằng xe máy. Ngoài thị xã Vĩnh Châu, tôi cũng thông báo cho các doanh nghiệp tạm ngưng đón rước công nhân huyện Trần Đề”, ông Trong chia sẻ.

    Lo gia tom the giam anh 3

    Doanh nghiệp có F0 tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân.

    Trao đổi với Zing chiều cùng ngày, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết có nhiều F0 vừa được phát hiện tại một doanh nghiệp thủy sản tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề. Khu vực các công nhân này làm việc đã được phong tỏa và ngành y tế phối hợp với doanh nghiệp truy vết F1, F2…

    Theo chủ doanh nghiệp có công nhân nhiễm nCoV, lúc cao điểm các xưởng có khoảng 1.100 người làm việc. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên công nhân đi làm trở lại được khoảng 50%.

    “Công nhân dương tính đang thực hiện một cung đường 2 điểm đến, làm việc ở bộ phận lột vỏ tôm. Chúng tôi đang phối hợp với ngành y tế để điều tra nguồn lây”, chủ doanh nghiệp nói.

    zingnews

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline