Hải Dương: Trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi

Ngày đăng: 07/01/2022 09:29 AM

    Hải Dương: Trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi

    rươi

    Rươi là loài thủy sản cho giá trị kinh tế rất cao với giá thành có thời điểm lên tới gần 1 triệu đồng/kg. Ảnh urbanisthanoi

     

    Thời gian qua, nhà nông tại một số địa phương thuộc đồng bằng Bắc Bộ đã thí điểm áp dụng mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ kết hợp thu hoạch rươi - cho hiệu quả kinh tế vượt trội so với phương án chỉ đơn thuần trồng lúa.

    Rươi hay “lộc trời” là loài nhuyễn thể thuộc ngành Giun đốt vốn ưa sống trong môi trường nước mặn hoặc nước lợ, nhưng phải thật sạch. Thịt rươi rất giàu dinh dưỡng và thường được chế biến thành những món ăn ngon như chả, rươi chiên trứng, rươi kho, rươi xào, canh rươi, mắm rươi, nem rươi, …

    Những năm gần đây, rươi xuất hiện tại các ruộng lúa ngày càng ít do thói quen canh tác sai lầm – lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật – khiến đất bị chai cứng, môi trường nhiễm độc, nhiều hệ sinh vật và côn trùng, bao gồm rươi không còn điều kiện phát triển.

    Nhận ra vấn đề và được các chuyên gia, nhà khoa học tư vấn, người dân tại một số xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, TP. Hải Phòng,… đã bắt đầu chuyển đổi sang sản xuất lúa gạo theo phương thức canh tác hữu cơ – từ bỏ hóa chất và thay bằng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ,… Môi trường cũng nhờ vậy mà được cải tạo và phục hồi, giúp rươi sinh sôi trở lại.

    Muốn tối ưu hiệu quả trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, bên cạnh việc lựa chọn những giống lúa chất lượng cao, nhà nông có thể chủ động bổ sung thêm rươi giống (mua từ các cơ sở sản xuất giống) vào ruộng để đảm bảo mật độ thả 250 – 300 con/m2. Do yêu cầu tiên quyết của quy trình canh tác hữu cơ là tuyệt đối không dùng hóa chất, việc duy trì và tăng cường nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây sẽ cần lượng phân bón hữu cơ hơn mức bình thường. Ngoài ra, nhà nông cũng cần thay đổi nhận thức - tránh làm sạch cỏ trên ruộng (nhất là bằng thuốc diệt cỏ), đồng thời phun thêm chế phẩm sinh học – chứa những vi sinh vật hữu ích (EM- effective microorganism) hoạt động mạnh khi được đưa vào môi trường và làm lệch sự cân bằng theo hướng có lợi.

     

    lứa-rươi
    Mô hình kết hợp lúa- rươi bước đầu cho kết quả khả quan. 

    Tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương - được xem là "thủ phủ" của rươi, trong mùa vụ 2021, bà con ở đây đã áp dụng giải pháp chế phẩm sinh học do Công ty Cổ phần Emi Nhật Bản cung cấp để cải tạo môi trường tại vùng trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi rộng 70 hecta. Kết quả sau 4 tháng phun hai loại chế phẩm Emina–P và BT–Emi được đánh giá là hết sức khả quan. Hầu hết các loại bệnh (đạo ôn, khô vằn, bạc lá, ...) và địch hại (rầy, sâu cuốn lá, ...) đều được kiểm soát tốt mà không gây ảnh hưởng xấu tới sự sinh trưởng của rươi trong ruộng. Theo ghi nhận cuối vụ, có những hộ đạt năng suất thu hoạch trung bình 15 – 18 kg rươi thương phẩm và 180 – 200 kg lúa trên 01 sào ruộng. Để so sánh, doanh thu từ 01 sào lúa được canh tác bằng phương thức thông thường chỉ đạt khoảng 1,75 triệu đồng, tức 49 triệu đồng/ha; trong khi cũng 01 sào lúa trong mô hình sản xuất lúa – rươi hữu cơ kết hợp lại mang về 1,4 triệu đồng từ lúa, cộng thêm 4 – 6 triệu đồng từ rươi, tổng đạt 5,4 – 7,4 triệu đồng/sào (151 – 207 triệu đồng/ha và 10,57 – 14,49 tỷ đồng/70 ha). Năng suất này thậm chí sẽ cao hơn nữa nếu bà con có thêm thời gian cải tạo đất – vốn đã bị nhiễm độc quá lâu – bằng vi sinh.

    Mô hình thành công tại Tứ Kỳ thực sự đã mở ra một hướng đi mới rất hứa hẹn, đáng để các địa phương khác có cùng điều kiện thổ nhưỡng tham khảo và nhân rộng.

    Hải Đăng - Đức Quyết

    Khoa học & Phát triển

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline