Hãng ô tô và xe gắn máy Honda (Nhật Bản) đang định vị tầm nhìn hướng đến máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL, hay còn gọi là taxi bay), tên lửa tái sử dụng và robot mặt trăng.
Tận dụng các thế mạnh sẵn có
Hôm 30-9, Honda cho biết sẽ chi 45 tỉ đô la cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong 6 năm tới và một phần đáng kể trong đó sẽ sử dụng để phát triển taxi bay vận hành bằng động cơ hybrid, robot với bàn tay giống người mà một ngày nào đó có thể đưa lên làm việc trên mặt trăng và tên lửa tái sử dụng để phóng các vệ tinh nhỏ vào không gian.
Những dự án này là nội dung chính trong “Tầm nhìn 2030” của Honda nhằm mở rộng định nghĩa về sự di chuyển và cải thiện cuộc sống hàng ngày của con người. Tầm nhìn của Honda về cách mọi người sẽ làm việc, đi du lịch và giải trí trong tương lai sẽ giúp mở rộng hoạt động kinh doanh của hãng ngoài mảng ô tô, xe máy và máy cắt cỏ.
Honda là “tân binh” trong ngành công nghiệp vũ trụ, vốn đang nắm dưới sự thống trị của các nhà thầu quốc phòng lâu đời như Boeing và các startup dồi dào vốn như SpaceX của Elon Musk, Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla, hay Blue Origin, công ty công nghệ không gian của Jeff Bezos, ông chủ của Amazon.
Honda cũng có mảng kinh doanh máy bay nhỏ nhưng mẫu máy bay HondaJet 8 chỗ ngồi của hãng không gây được nhiều sức hút và chỉ đóng góp một phần nhỏ cho tổng doanh thu của Honda.
Honda cũng đang chật vật để cập nhật công nghệ mới nhất trong mảng kinh doanh chính là ô tô và đang hợp tác với hãng xe General Motors (Mỹ) để phát triển xe điện.
Honda cho biết cả 3 lĩnh vực mới trong lộ trình nghiên cứu và phát triển mở rộng đều có thể tận dụng những chuyên môn có sẵn của Honda, bao gồm động cơ đẩy, điện khí hóa, robot, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
Người phát ngôn của Honda, Marcos Frommer, nói: “Không có công ty nào trên thế giới nắm trong tay tất cả các công nghệ cốt lõi này”.
Phát triển taxi bay có thể hoạt động giữa các thành phố
Honda cho biết các thiết kế taxi bay phụ thuộc 100% vào pin hiện nay sẽ có phạm vi hoạt động quá hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu thị trường cho việc di chuyển xa tới 400 km, tức không chỉ bay nội đô mà còn bay giữa các thành phố lân cận.
Hãng có kế hoạch bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm vào năm 2023 trên một thiết kế lai kết hợp pin lithium-ion với máy phát điện tua-bin khí, đóng vai trò như một bộ sạc và mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay. Nếu ban lãnh đạo quyết định thúc đẩy dự án này, Honda sẽ nhắm đến mục tiêu taxi bay được cấp phép hoạt động vào 2030.
Đến thập niên 2040, khi máy bay kỹ cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) chuyển sang giai đoạn hoàn toàn vận hành tự động, tức không cần đến phi công, Honda dự báo thị trường taxi bay, bao gồm vận chuyển y tế khẩn cấp và logistics, sẽ đạt giá trị 269 tỉ đô la mỗi năm.
Ông Frommer nói thị trường này sẽ đến một hệ sinh thái lớn hơn gồm các bãi đáp và cất cánh dành cho eVTOL, xe tự hành trên mặt đất và hệ thống máy tính có thể điều chỉnh lịch trình của khách và kế hoạch chuyến bay một cách liền mạch.
Đưa robot đại diện lên mặt trăng
Honda Robotics, đơn vị phát triển robot của Honda, sẽ tiếp tục cải tiến robot hình người Asimo để giảm kích thước và tăng tính linh hoạt của nọ. Hãng hy vọng robot hình người này (có tên gọi Honda Avatar Robot) sẽ được sử dụng chủ yếu như là một một người đại diện từ xa để thực hiện các tác vụ giống như cách một nhân viên trợ giúp y tế điều khiển robot chăm sóc một người bị thương. Trong một viễn cảnh khác, Honda hình dung học sinh có thể sử dụng từ xa các robot đại diện (robot avatar ) trên bề mặt mặt trăng để tham quan các hố đen và các địa hình khác của nó.
Các robot đại diện này cần các bàn tay nhiều ngón được vận hành bằng trí tuệ nhân tạo để có thể nắm chặt và khéo léo hơn. Honda cho biết Honda Avatar Robot sẽ bắt đầu trình diễn công nghệ vào năm 2024 và được sử dụng trong thực tiễn vào thập niên 2030.
Honda cũng nhận thấy vai trò của robot trên mặt trăng là “giảm thiểu rủi ro mà các phi hành gia sẽ phải đối mặt và cho phép mọi người tận hưởng trải nghiệm ảo trên mặt trăng từ trái đất”.
Phát triển tên lửa đẩy có thể tái sử dụng nhiều lần
Cuối năm 2019, Honda bắt đầu nghiên cứu các yêu cầu kỹ thuật đối với một tên lửa đẩy có thể tái sử dụng, mô hình mới của ngành công nghiệp vũ trụ đang mang lại thành công cho tên lửa đẩy 2 tầng Falcon 9 của SpaceX.
Honda dự định phát triển một tên lửa tái sử dụng để phóng các vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo thấp của trái đất, một bước phát triển khác có thể thúc đẩy nền kinh tế không gian, giúp nhiều máy móc được kết nối hơn từ ô tô đến thiết bị gia dụng, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới.
Honda cũng nhận thấy triển vọng thương mại trong việc giúp các nhà thám hiểm mặt trăng mở khóa tiềm năng của nước đóng băng trên mặt trăng.
Hãng đang hợp tác với Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để xây dựng một hệ thống năng lượng tái tạo trên mặt trăng. Hệ thống sẽ phân hủy nước thành các thành phần hydro và oxy rồi hợp với công nghệ pin nhiên liệu của Honda để sản xuất điện.
Honda cho biết oxy cũng có thể được sử dụng trong các khu sinh hoạt và cung cấp hydro để cung cấp nhiên liệu cho tên lửa. Oxy cũng sẽ được sử dụng cho lán trại sinh sống của các nhà thám hiểm trên mặt trăng, trong khi đó, hydro sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho tên lửa.
Honda không phải là hãng xe Nhật Bản duy nhất có tham vọng hiện diện trên mặt trăng. Toyota và JAXA đang hợp tác phát triển một chiếc xe 6 bánh không người lái với mục tiêu đưa nó lên mặt trăng vào năm 2029.
Kinh tế Sài Gòn Online - Theo Bloomberg, The Verge