Mối nguy hại từ rác thải nhựa
Sự phát triển kinh tế biển, sự tăng trưởng của các ngành du lịch và dịch vụ biển, kinh tế biển… đã dẫn đến sự tập trung dân cư và quá trình đô thị hóa tại các vùng ven biển, làm gia tăng nước thải, chất thải rắn ảnh hưởng đến môi trường biển. Chính vì vậy, rất cần những giải pháp cấp bách để nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, không để biển Việt Nam trở thành một bãi rác ngầm.
Theo thống kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất thải hữu cơ là rác thải từ hoạt động công nghiệp tác động đáng kể đến môi trường biển, làm suy giảm chất lượng thủy sản và một số loài sinh vật biển khác, làm nước biển nhiễm độc, đặc biệt tại các vịnh và khu vực cửa sông nước ta. Hoạt động khai thác khoáng sản biển, vận tải biển với quy mô khoảng 272 bến cảng biển đang hoạt động với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Ngoài nước thải có chứa dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm hoạt động này phát sinh khoảng 5.600 tấn rác thải dầu khí, trên 15.000 tấn dầu mỡ trôi nổi, trong đó 23 – 30% là chất thải rắn nguy hại chưa được xử lý. Hoạt động NTTS làm tăng đáng kể lượng chất thải, chủ yếu là từ phân bón và thức ăn. Với tổng diện tích nuôi tôm là hơn 600.000 ha trên cả nước, hằng năm, gần 3 triệu tấn chất thải rắn thải ra môi trường.
Còn theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển dao động trong khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 54 kg/năm/người vào năm 2018, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu trong Chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới (IUCN) về đánh giá số lượng và khối lượng rác thải trên 30 bãi biển tại 10 khu bảo tồn biển của Việt Nam cũng cho thấy, qua hai đợt khảo sát mùa khô và mùa mưa đã thu được 86.092 mảnh rác thải ở các kích cỡ khác nhau, khối lượng dao động từ 13 đến 3.168 kg. Tính trung bình trên 100 m chiều dài bãi biển sẽ có số lượng rác thải là 7.374 mảnh và 94,58 kg.
Ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, để đối phó với tình trạng rác thải nhựa biển Chính phủ Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương cùng với nỗ lực hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Theo Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tới năm 2030, đề cập đến 5 nhóm giải pháp: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; Thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển và trên biển; Đẩy mạnh hoạt động kiểm soát rác thải nhựa. Cùng đó là hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ và xử lý rác thải nhựa đại dương; Điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc chương trình giảm rác thải nhựa WWF Việt Nam chia sẻ, các hoạt động mà WWF chú trọng đến đó là làm việc đó là các khu bảo tồn biển và thủy sản để làm sao có thể giảm được lượng rác thải nhựa, thất thoát từ ngành thuỷ sản ra biển cũng giống như thu gom và xử lý các rác thải nhựa đang che phủ trên những dạng sinh thành biển quan trọng như dạng san hô, bãi rùa đẻ… TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo thì cho rằng, để thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường biển, thời gian tới nước ta cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và các nội dung hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển cấp quốc gia; rà soát phân công nhiệm vụ điều tra cơ bản giữa các bộ, ngành và các địa phương ven biển. Chính quyền các địa phương cần nâng cao vai trò, vị thế trong nhiệm vụ quản lý vùng ven biển. Việt Nam cần đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đồng thời tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên – môi trường biển…
An An