Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng tốc mua thủy sản từ Việt Nam, giúp xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 tăng tới 6,1%. Giá tôm cũng được cải thiện trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản tăng mua, xuất khẩu thủy sản lấy lại phong độ
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4/2021 ước đạt 650 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021, chiếm 57,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong quý I/2020 đạt 335,06 triệu USD, chiếm 19,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Mỹ (NMFS), chỉ tính riêng trong tháng 2/2021, Mỹ đã nhập khẩu 8.510 tấn phile cá tra đông lạnh trị giá 21,4 triệu USD, giá trung bình nhập khẩu của cá tra phile đông lạnh ở mức 2,51 USD/kg, tăng 2,44% so với tháng 1/2021.
Trong tháng 2/2021, Mỹ cũng nhập khẩu 52.902 tấn tôm trị giá 450,8 triệu USD.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản quý I/2020 đạt 307,12 triệu USD, tính riêng tháng 3/2021 đạt 125,12 triệu USD, tăng 79,5% so với tháng 2/2021.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc quý I/2021 đạt 161,58 triệu USD, chiếm 9,31% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong quý này, tăng tới 15,09% so với quý I/2020.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hàn Quốc quý I/2021 đạt 161,28 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sự bứt phá ở những thị trường xuất khẩu thủy sản chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giúp giá cá tra, giá tôm ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long khởi sắc.
Theo đó, các doanh nghiệp lớn tiếp tục tìm mua cá tra size 900g-1kg với giá dao động 21.000- 21.500 đồng/kg. Giá cá giống mẫu 30 con/kg quanh mức 22.000-24.000 đ/kg.
Thị trường tôm nguyên liệu Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng nhích nhẹ do nguồn cung tăng chậm.
Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg hiện ở mức 270.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng trước, cỡ 30 con/kg tăng 10.000 đồng/kg đạt 200.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg tăng 30.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60 con/kg tăng 8.000 đồng/kg so với cuối tháng trước, lên 123.000 đồng/kg; cỡ 70 con/kg tăng 6.000 đồng/kg lên 116.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg tăng 3.000 đồng/kg lên 93.000 đồng/kg.
Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường thủy sản, xuất khẩu thủy sản thời gian tới có thể bứt phá nhờ những tín hiệu khả quan từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là thị trường EU, Canada.
Đơn cử như tại thị trường Đức, hiện mức tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người năm 2020 của Đức là gần 14kg/người/năm.
Ngày càng nhiều người dân Đức cảm thấy việc tiêu thụ thuỷ sản rất có lợi cho sức khoẻ và lựa chọn tiêu dùng thuỷ sản cũng tiện dụng không kém các sản phẩm thịt khác.
Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 tạo ra nhiều lợi thế với sản phẩm thuỷ sản chính của Việt Nam xuất khẩu tới Đức.
"Chính vì thế, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tới Đức trong thời gian tới sẽ tăng mạnh" - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo.
Đối với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam vẫn được hưởng thuế suất nhập khẩu vào Hàn Quốc là 0% đối với các sản phẩm bạch tuộc tươi/sống và đông lạnh (HS030751 và HS030759) và đây cũng là sản phẩm bán được nhiều nhất vào thị trường này.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu bạch tuộc của Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu với 2 sản phẩm trên để tăng kim ngạch xuất khẩu bạch tuộc hơn nữa sang Hàn Quốc.
Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada sẽ tăng trưởng tốt do thủy sản Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu của Canada.
Trong đó, tôm là mặt hàng chủ lực sang thị trường này sẽ tăng hơn nữa do nhu cầutiêu thụ tôm tại Canada tăng. Canada được coi là cửa ngõ vào thị trường toàn cầu nhờ khả năng tiếp cận thị trường ưu tiên thông qua các hiệp định thương mại với 51 quốc gia.
Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cần tận dụng tốt Hiệp định CPTPP vì các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều không tham gia Hiệp định.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho sản xuất tôm của Ecuador, Ấn Độ; thêm nữa các chuỗi giá trị của các nước "đối thủ" cạnh tranh với Việt Nam bị đứt gãy. Đây là thời cơ lớn.
"Khi FTA với các nước được mở ra, nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam giảm sút thì đó chính là cơ hội của Việt Nam" -Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.