Na Uy – hình mẫu lý tưởng về nuôi biển
(TSVN) – Na Uy là một trong những quốc gia có ngành thủy sản dẫn đầu thế giới, đây cũng là một hình mẫu lý tưởng trong việc phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp. Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng bà Anne Brønsten Osland, Vụ trưởng Vụ cấp phép Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản Na Uy để hiểu rõ hơn về thành công mà nghề nuôi biển nước này đạt được; đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm giải quyết các khó khăn, thách thức của ngành từ góc độ quản lý Nhà nước.
Na Uy là một trong những quốc gia có nghề nuôi biển công nghiệp phát triển mạnh, bà có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Na Uy phải mất 50 năm để phát triển được ngành công nghiệp nuôi biển mạnh mẽ và sinh lời như ngày nay. Trong 3 thập kỷ đầu tiên, chúng tôi cũng gặp nhiều thách thức như dịch bệnh, thất thoát cá, các công ty làm ăn thua lỗ, phá sản, thị trường khó khăn… Việc thành lập các trang trại nuôi cũng gặp phải ý kiến phản đối của các khu vực dân cư lân cận, đặc biệt là ngư dân địa phương.
Để giải quyết các thách thức này, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp tổng thể quan trọng, chẳng hạn như: Dừng sử dụng thuốc kháng sinh; tập trung nghiên cứu vaccine; tăng cường quản lý quy trình vận hành hàng ngày để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp nuôi biển; theo dõi một cách có hệ thống các địa điểm nuôi; tăng cường báo cáo về sản lượng, dịch bệnh, tình trạng thất thoát cá, sử dụng hóa chất… Điểm nổi bật phải kể đến đó là ngành đã thiết lập một cơ chế minh bạch công khai toàn bộ thông tin liên quan tới các đơn xin cấp phép nuôi trồng thủy sản (NTTS) để ai cũng có thể theo dõi, kiểm tra và cho ý kiến. Ở Na Uy, chúng tôi đã thành lập khá sớm một cơ quan đăng ký quốc gia các giấy phép NTTS. Quy hoạch ven bờ của các địa phương và việc hiểu rõ lợi ích của các bên liên quan khác nhau là những yếu tố góp phần đảm bảo tính hợp lý và cơ sở của việc quy hoạch các trang trại nuôi biển.
Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển nghề nuôi biển theo hướng công nghiệp, vậy theo bà, chúng tôi có thể học hỏi gì từ Na Uy trong lĩnh vực này?
Từ kinh nghiệm của Na Uy, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là phải có các chương trình đào tạo và phát triển chuyên môn (kể cả trình độ và năng lực) chú trọng tới cả kiến thức lý thuyết, kỹ năng chuyên ngành và kinh nghiệm thực tế thông qua thực hành tại các trại nuôi.
Các yếu tố then chốt quyết định thành công của ngành gồm sức khỏe, các chương trình sản xuất giống tập trung vào chất lượng trứng, lựa chọn cá giống… Bên cạnh đó, minh bạch hóa cũng là một yêu cầu quan trọng được đặt ra với mọi khâu trong hoạt động của ngành, kể cả thống kê, báo cáo.
Ngoài ra, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện chiến lược nuôi biển công nghiệp, những ưu đãi về chính sách đóng vai trò quan trọng. Năm 2006, Na Uy ban hành Luật NTTS, trong đó có quy định cho phép các công ty có giấy phép NTTS đã được đăng ký tại Cơ quan Đăng ký quốc gia có thể sử dụng giấy phép đó làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng, nhờ đó giúp đảm bảo nguồn tài chính cho các công ty NTTS. Cũng nhờ các quy định này, có một số công ty đã phát triển về quy mô và niêm yết trên thị trường chứng khoán của Na Uy. Nhiều công ty của Na Uy sở hữu 2 – 15 giấy phép NTTS.
Về mặt kỹ thuật, xây dựng một khuôn khổ pháp lý minh bạch và các tiêu chuẩn quốc gia cho công nghệ nuôi, chẳng hạn như tiêu chuẩn đối với hệ thống neo, tuổi thọ của thiết bị nuôi… cũng là một biện pháp quan trọng mà Na Uy đã và đang thực hiện rất tốt.
Na Uy có dự định hỗ trợ và hợp tác gì với Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới không, thưa bà?
Thủy sản đã và đang là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Na Uy và Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Về phía Tổng cục Thủy sản Na Uy, chúng tôi luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm cho bất cứ cơ quan đối tác nào. Chúng tôi rất vui mừng được biết Việt Nam cũng đang có kế hoạch phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp. Đây là xu hướng ngày càng phổ biến để đảm bảo phát triển bền vững đồng thời bảo vệ môi trường biển. Cuối năm 2020, chúng tôi có kế hoạch phối hợp cùng Đại sứ quán Na Uy và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT Việt Nam) tổ chức một hội thảo về nuôi biển công nghiệp ở Phú Yên, nhưng rất tiếc do tình hình COVID-19 bùng phát nên hội thảo phải tạm hoãn. Nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện kế hoạch này vào thời gian sớm nhất trong năm nay.
Trân trọng cảm ơn bà!
>> Bà Anne Brønsten Osland, Vụ trưởng Vụ cấp phép Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản Na Uy: “Na Uy phải mất 50 năm để phát triển được ngành công nghiệp nuôi biển mạnh mẽ và sinh lời như ngày nay”.
Nuôi biển, nuôi biển theo hướng công nghiệp
nguon: TSVN