Nhật Bản: “Ông tổ” nghề sản xuất tôm giống

Ngày đăng: 01/06/2021 04:19 PM

    Nhật Bản: “Ông tổ” nghề sản xuất tôm giống

    Nhật Bản: “Ông tổ” nghề sản xuất tôm giống
    Tôm he là loài nuôi quan trọng và có giá trị kinh tế cao tại Nhật. Ảnh: kumeguide

    Dù không phải là nước nuôi tôm lớn trên thế giới, nhưng Nhật Bản vẫn luôn được coi là điểm khởi đầu cho sự phát triển ngành tôm với nhiều kỹ thuật đóng vai trò nền tảng trong công nghệ nuôi tôm.

    Nghề nuôi tôm bắt đầu năm 1933, khi TS Motosaku Fujinaga - một nhà sinh vật học người Nhật Bản lần đầu nghiên cứu thành công quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi tôm he Nhật Bản (Penaeus japonicus). Sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo, Fujinaga làm việc cho Công ty Gyogyo (tiền thân của Công ty Nippon Suisan) với tư cách là chuyên gia sinh vật học. 

    Năm đầu tiên làm việc tại công ty này, Fujinaga đã sử dụng một loại lưới phù du để gom tôm giống phục vụ nghiên cứu hình thái học, phân loại và vòng đời của tôm. Ông cũng thu gom tôm ôm trứng và nuôi chúng trong bể kính tới khi sinh sản. Trứng tôm được ấp thành ấu trùng nauplius, giai đoạn đầu tiên trong 3 giai đoạn ấu trùng. Tuy nhiên, nauplius đã chết trước khi chuyển sang zoea - giai đoạn thứ 2 của ấu trùng. Fujinaga đã không tìm ra nguồn thức ăn cho nauplii, nên ông phải mất nhiều năm sau đó chỉ để nghiên cứu riêng về chế độ dinh dưỡng cho ấu trùng. Tới năm 1939, ông và TS Yoshiyuki Matsue thuộc Đại học Tokyo mới tìm ra nguồn thức ăn cho ấu trùng tôm từ một loại tảo có tên Skeletomema costatum.

    Fujinaga đã công bố kết quả nghiên cứu nuôi tôm từ năm 1935 tới 1969 rộng rãi trước công chúng. Ông cũng xây dựng một trại sản xuất giống thương phẩm vào năm 1959 với nhiệm vụ chuyển giao công nghệ tới các chi nhánh nhỏ hơn và đầu năm 1969, trại nuôi tôm thương phẩm đầu tiên ra đời tại đảo Seto, Nhật Bản. Tới năm 1967, khoảng 20 cơ sở đã vận dụng kiến thức của Fujinaga và sản xuất được 4.000 tấn tôm trên tổng diện tích 8.500 ha ao nuôi. Từ đó, Fujinaga được mệnh danh là cha đẻ của nghề nuôi tôm he Nhật Bản. Một bước đột phá thực sự tiếp theo trong ngành nuôi tôm Nhật Bản đáng nhắc tới là Fujinaga chính thức tìm ra nguồn thức ăn nuôi tôm post bằng ấu trùng Artemia - bước quyết định giúp tôm phát triển mạnh và tăng tỷ lệ sống.

    Năm 1963, Fujinaga và Mitsutake Miyamura tới tham quan phòng thí nghiệm Galveston tại Texas Mỹ. Theo Harry Cook, một chuyên gia nghiên cứu về tôm tại Mỹ, mục đích của các chuyên gia Nhật Bản là tìm ra một địa điểm thích hợp để nuôi vỗ tôm thịt tại Mỹ. Thời gian đó, Nhật Bản đã muốn thuê vịnh East Matagorda, thuộc bang Texas để thực hiện mục đích nhưng cuối cùng họ lại chọn thành phố Panama, Florida; Đến năm 1967, Công ty Marifarm Inc ra đời nhưng chỉ hoạt động từ năm 1968 tới 1982. Thời điểm đó, ngành tôm Nhật Bản đã có ít nhiều ảnh hưởng tới các nghiên cứu trên tôm tại Mỹ và là cơ sở để Mỹ xây dựng thủ phủ tôm giống Hawaii thành công như ngày nay.  

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline