Nỗ lực sáng tạo, đổi mới thành công

Ngày đăng: 25/02/2021 10:47 AM

    Nỗ lực sáng tạo, đổi mới thành công

    (TSVN) – Từ mô hình nuôi TTCT thâm canh lót lưới mành, đến mô hình nuôi lót bạt, rồi siêu thâm canh bằng ao nổi; từ quy trình nuôi 1 giai đoạn sang 2 – 3 giai đoạn; từ việc sử dụng ao lắng đến hệ thống lọc cấp nước trực tiếp cho ao nuôi; từ mật nuôi ban đầu chỉ 100 – 200 con/m2, nâng lên 300 – 500 con/m2 và hiện lên đến 1.200 con/m2…; là minh chứng cho sự đổi mới, sáng tạo và thành công từ năm 2016 đến nay của HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).

    Hành trình đổi mới, sáng tạo

    Đầu năm 2021, tôi có dịp trở lại thăm và gặp gỡ anh Huỳnh Xuân Diện, Chủ tịch HĐQT HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng. Chỉ cho tôi xem ao nuôi nổi hình chữ nhật được xây bằng bê tông có lót bạt bên trong, anh Diện giới thiệu: “Đây là mô hình mới do tôi nghĩ ra nhằm đưa điều kiện sống của con tôm về gần với tự nhiên hơn. Ao này có diện tích chỉ 500 m2nhưng ở vụ nuôi thử nghiệm đầu tiên vừa rồi tôi thả nuôi với mật độ 1.200 con/m2và thu hoạch đến 8 tấn tôm, cỡ 55 con/kg. Hiện tôi đang ương đợt mới để chuẩn bị sang qua nuôi tiếp đợt 2 và nếu tiếp tục thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng trong HTX”.

    Đúng là rất khác lạ so với những mô hình mà tôi từng thấy khi chính giữa ao lại có thêm một vách ngăn chia ao nuôi thành 2 ao nhỏ liên thông với nhau bằng hai khoảng trống ở 2 đầu vách ngăn. Chưa hết, ngay giữa mỗi ao là một rãnh bề ngang khoảng 5 tấc chạy dọc theo chiều dài mỗi ao, kết thúc nơi thấp nhất là hố xiphong. Anh Diện giải thích thêm: “Rãnh dọc giữa ao chính là nơi để tôm tập trung về đó để lột vỏ, mà không bị đè chồng lên nhau như ao tròn, nên giảm được tỷ lệ tôm thiệt hại trong quá trình lột vỏ. Còn 2 khoảng trống ở hai đầu ao là nơi đặt hệ thống lọc nước, nên ao nuôi lúc nào nước cũng sạch”.

    Anh Diện bên thiết bị chống giật và tiết kiệm điện do anh nghiên cứu chế tạo rất hiệu quả

    Anh Diện đưa tôi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bằng những sáng kiến rất hiệu quả (cả về kinh tế lẫn môi trường) mà anh mày mò nghiên cứu trong suốt 4 năm qua. Đó là sáng kiến chuyển từ ao đất sang ao lót lưới mành; là làm ao nổi bằng khung tre chi phí chỉ 4 – 5 triệu đồng thay vì phải mất 60 – 70 triệu đồng nếu làm bằng khung sắt; là mô hình cấp nước trực tiếp vào ao nuôi thông qua thiết bị lọc; là mô hình ứng dụng công nghệ đèn UV để diệt khuẩn mà không cần sử dụng thuốc hay vi sinh và mô hình ao nuôi chữ nhật 2 ngăn mà tôi đang chứng kiến…

    Anh Diện thông tin thêm: “Hiện tại trang trại nuôi 10 ha tôi đang làm 30 ao, với đủ loại mô hình từ cao đến vừa và thấp để giúp các thành viên HTX ai thấy cái nào phù hợp với mình thì áp dụng, nhằm giúp nâng cao tỷ lệ nuôi thành công cho các thành viên HTX. Đặc biệt, sáng chế mà tôi tâm đắc nhất chính là thiết bị chống giật và tiết kiệm điện”.

    Thiết bị này là một chiếc hộp nhỏ gọn có một nút điều chỉnh giống như nút điều chỉnh âm thanh của ampli. “Thiết bị này có thể đưa điện từ 220V về thành điện 12V, 24V, 48V hoặc 64V, nên không còn tình trạng bị điện giật dẫn đến những cái chết thương tâm nữa. Ngoài chống điện giật, hệ thống thiết bị này còn giúp tiết kiệm được 30% lượng điện tiêu thụ. Vì vậy, công trình ao nuôi không còn phải tốn tiền đổ trụ điện, mà đường dây được đi trực tiếp vào ống nhựa rồi đặt âm trong đất, nơi nào cần thì móc lên đấu nối, nên vừa không rườm rà, vừa rất thẩm mỹ. Cả hệ thống xiphong cũng tự động, cứ 2 giờ, cặn bã được hút 1 lần nên nguồn nước nuôi không bị ô nhiễm”, anh Diện tâm sự.

    Không để ai bị bỏ lại phía sau

    Không chỉ đam mê nghiên cứu sáng tạo và đổi mới, anh Diện cùng các thành viên HĐQT HTX còn rất quan tâm đến sản xuất và đời sống của các hội viên; mà chuyện kêu gọi những hộ nuôi tôm thất bại phải cầm cố đất bỏ xứ đi làm ăn xa trở về tham gia HTX, rồi cho mượn tiền chuộc lại một phần đất, giúp vốn, hướng dẫn kỹ thuật để họ làm ăn… là những minh chứng. Qua tìm hiểu từ các thành viên HTX và chính quyền địa phương được biết, từ sự hỗ trợ chí tình của anh, đến nay đã có hàng chục hộ chuộc lại được đất, cất được nhà và tất cả 54 thành viên HTX hiện không có ai thuộc diện hộ nghèo, kể cả những hộ chỉ nuôi tôm theo mô hình quảng canh.

    Mô hình ao 2 ngăn mới đưa vào nuôi thử nghiệm, thu hoạch 8 tấn tôm chỉ với 500 m2

    Tôi vẫn còn nhớ chuyến ghé thăm HTX vào cuối năm 2017 đúng dịp anh Diện đang thu hoạch ao TTCT nuôi theo mô hình lót lưới mành cuối cùng trong năm trúng mùa. Năm đó, hầu hết các thành viên HTX đều có lời, người lời cao nhất trên 800 triệu đồng/vụ, còn người thấp nhất khoảng 200 triệu đồng/vụ. Khi nghe tôi nhắc lại chuyện này, anh Diện cười tươi kể: “Anh nhắc tôi mới nhớ, cũng vì trúng mùa mà cả tháng trời tôi chỉ được ăn cơm ở nhà có một ngày, còn lại là đi ăn tiệc tại nhà các thành viên HTX”. Cái tình của các thành viên HTX là vậy đó; khi khó khăn họ cùng nương tựa, giúp đỡ nhau, khi thành công thì cùng chung vui không sót một ai.

    Nói về kế hoạch vụ nuôi năm 2021, anh Diện cho biết: “Đối với diện tích nuôi quảng canh, chúng tôi cố gắng nâng cao năng suất tôm nuôi chứ không chuyển sang nuôi thâm canh. Riêng số diện tích nuôi thâm canh, cũng có nhiều cấp độ, mô hình khác nhau nên sẽ tập trung phát huy mô hình này để phấn đấu đưa sản lượng tôm của HTX trong năm 2021 lên 3.200 – 3.500 tấn”.

    nguồn: thuy san viet nam

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline