Nỗi lo đứt gãy chuỗi sản xuất

Ngày đăng: 30/08/2021 11:26 AM

    Nỗi lo đứt gãy chuỗi sản xuất

     Kiểm soát dịch COVID-19 hơn tháng qua thắt chặt lưu thông, đóng cửa chợ truyền thống và hàng quán, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành thủy sản, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất.

    Ách tắc lưu thông, mất giá

    Đầu tháng 8, TTCT nuôi ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đạt cỡ 60 con/kg, muốn bán mà không có người mua. Thỉnh thoảng mới có thương nhân đồng ý mua với giá 100.000 đồng/kg, giảm 16% so tháng trước vì xe chở tôm đi lại khó khăn, nếu không qua được chốt kiểm soát COVID-19 phải tốn thêm chi phí trữ lạnh. Phó phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu Nguyễn Minh Chí cho biết, thị xã có 24.000 ha nuôi tôm công nghiệp, đã thả giống trên 12.000 ha, đến kỳ thu hoạch mà khó khăn đủ bề vì không được tập trung đông người, không được tự do đi lại.

    Ở tỉnh Bạc Liêu, đầu tháng 8, các loại tôm, cua đều mất giá 15 – 20%. Tôm sú loại 20 con/kg chỉ còn 200.000 đồng/kg, loại 30 và 40 con/kg lần lượt là 160.000 đồng và 140.000 đồng/kg. TTCT loại 50 con/kg có giá 100.000 đồng/kg, loại 100 con/kg giá 70.000 đồng/kg. Cua biển ngon chỉ còn 300.000 đồng/kg. Tôm càng xanh loại 20 – 30 con/kg chỉ còn 100.000 – 130.000 đồng/kg và rất khó bán vì chỉ tiêu thụ nội địa mà chợ truyền thống, nhà hàng đóng cửa. Các loại thủy sản khác đều khó tiêu thụ do sản lượng thu hoạch nhiều mà lưu thông ách tắc.

     

     

    Ở tỉnh Đồng Tháp, tại cuộc họp trực tuyến chiều 6/8, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, trong tháng 8/2021 thu hoạch cá tra dự kiến 30.058 tấn, cá điêu hồng 1.831 tấn, ếch thịt 1.893 tấn. Cá tra tiêu thụ khó khăn bởi các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu giảm công suất. Còn ếch và cá rô phi, cá lóc, đại diện Công ty Cỏ May Đồng Tháp kêu tắc nghẽn đầu ra, bởi trước đây tiêu thụ chủ yếu qua chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) mà nay chợ đã đóng cửa. Hiện giá ếch thịt và cá rô phi ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) dưới 20.000 đồng/kg, cá lóc 20.000 – 25.000 đồng/kg, giảm hơn 40% so trước.

    Tại tỉnh Bến Tre, Sở NN&PTNT cho biết, trong tháng 8, thu hoạch 6.000 tấn TTCT, 295 tấn sò huyết và khoảng 1.200 tấn thủy sản khác, đều bí đầu ra. Mới xác định được khả năng tiêu thụ 20 – 50% sản lượng thu hoạch. Ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang tồn hàng trăm tấn thủy sản. Riêng huyện Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ tồn 118 tấn cá lóc, huyện Châu Đức hơn 65 tấn cá các loại, ở xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) tồn 290 tấn hàu Thái Bình Dương. Tất cả đã mất giá mà vẫn khó bán.

    Chủ động kết nối và kiến nghị

    Nỗi lo lớn bao trùm ngành thủy sản hiện nay là nguy cơ đứt gãy chuỗi sản phẩm, những tháng cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu chế biến, mất đối tác kinh doanh, mất thị trường xuất khẩu. Do đó, các địa phương, các ngành, các cấp và các hiệp hội đang có nhiều nỗ lực kết nối tiêu thụ.

    Tỉnh Bến Tre thành lập Tiểu ban Hậu cần do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh làm Trưởng ban, để giải quyết các vấn đề cung – cầu hàng hóa, kết nối tiêu thụ nông sản. Tiểu ban có đại diện các Sở NN&PTNT, Công thương và lãnh đạo các huyện, thành phố. Tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND Huỳnh Minh Tuấn yêu cầu các địa phương phát huy việc tiêu thụ tại chỗ đối với thủy sản nhỏ lẻ để vượt qua thời điểm thắt ngặt.

    HTX Nông nghiệp Ba Đình ở xã Vĩnh Lộc A (Hồng Dân, Bạc Liêu) có tôm càng xanh cỡ 10 – 20 con/kg với sản lượng 2 – 3 tấn/ngày nhưng thương lái không vào mua được, đã sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook đăng sản phẩm rao bán. Đến nay thiết lập được một điểm bán tại Bạc Liêu và 2 điểm ở TP Cần Thơ, mỗi ngày tiêu thụ được 700 – 800 kg và đang nỗ lực mở rộng. Ở tỉnh Kiên Giang, Phòng NN&PTNT huyện U Minh Thượng hỗ trợ người nuôi tôm càng xanh bằng nhiều hình thức kết nối tiêu thụ. Trong đó, từ ngày 5 – 31/8, những địa chỉ có thể cung ứng một ngày từ 2 – 5 tấn tôm là bà Nguyễn Thị Ngân và ông Nguyễn Văn Giàu đều ở xã Thạnh Yên, ông Nguyễn Văn Cường ở xã An Minh Bắc với giá loại 10 – 15 con/kg khoảng 150.000 đồng/kg.

    Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác 970  để phối hợp với Tổ công tác Bộ Công thương, Sở Công thương và Sở NN&PTNT của 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang giãn cách theo Chỉ thị 16, giải quyết vướng mắc lưu thông nông sản. Tổ công tác 970 đánh giá, việc chủ động kết nối tiêu thụ nông sản ở 19 địa phương là mô hình tốt cho các địa phương khác trong cả nước vận dụng, để tránh đứt gãy chuỗi sản phẩm. Về phần mình, đến ngày 5/8, Tổ công tác 970 đã nhận đăng ký 778 đầu mối cung cấp nông sản, trong đó có 318 đầu mối thủy, hải sản.

    Nhiều kiến nghị từ thực tiễn đã được nêu lên. Sở NN&PTNT Bạc Liêu kiến nghị sớm tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân các doanh nghiệp; các địa phương có giải pháp phù hợp giúp nhân công, tài xế đi mua hàng và giao hàng. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt Đỗ Lập Nghiệp cũng thẳng thắn phân tích việc triển khai “3 tại chỗ” làm tăng chi phí, gây tâm lý hoang mang cho công nhân, không thể kéo dài mà cần tiêm vaccine để ổn định.

    Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong phòng, chống dịch COVID-19 VASEP cho biết, có 270 doanh nghiệp thành viên tập trung chủ yếu ở ĐBSCL và Nam Trung bộ. Hiện khoảng 70% doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất, những doanh nghiệp còn hoạt động thì công suất chỉ đạt 40 – 50% và khả năng duy trì cao nhất chỉ 4 – 5 tuần nữa. Nên giải pháp căn cơ là tiêm vaccine cho công nhân.

    Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo 19 tỉnh, thành phía Nam ưu tiên tiêm phòng vaccine cho 100% công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản. Vừa qua, ở một số nhà máy, công nhân duy trì sản xuất mới chỉ tiêm vaccine khoảng 30 – 40% nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Bên cạnh, một số doanh nghiệp đã bùng phát dịch bệnh, bị phong tỏa, thiệt hại rất lớn.

    Mới đây, VASEP còn có kiến nghị thực hiện “y tế tại chỗ”. Các doanh nghiệp chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy để tự tổ chức xét nghiệm cho công nhân mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm gửi cơ quan y tế và kết quả được áp dụng trong lưu thông, giao dịch. Công nhân được tiêm vaccine đầy đủ sẽ đi – đến nhà máy theo cung đường có kiểm soát, thuận lợi và đảm bảo an toàn dịch bệnh.

    Các doanh nghiệp được tạo thêm điều kiện chủ động phòng, chống dịch bệnh, duy trì và phục hồi sản xuất sẽ thêm khả năng hạn chế đứt gãy chuỗi sản phẩm. Khi đó, hệ thống cung cấp thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sẽ thông suốt, đảm bảo đời sống cho hàng triệu người chắc chắn, an toàn hơn.

    Sáu Nghệ

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline