Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng nước muối biển nuôi sinh khối Artemia làm giảm giá thành sinh khối mà không ảnh hưởng đến sinh trưởng và tốc độ sinh sản của Artemia.
Artemia là thức ăn tươi sống có giá trị dinh dưỡng cao và đã được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Artemia giai đoạn trưởng thành chứa hàm lượng protein cao (50 - 60%), rất giàu acid béo thiết yếu, vitamin, kích dục tố và sắc tố, do đó chúng được chọn làm thức ăn nuôi vỗ tôm, cá bố mẹ.
Tuy nhiên, việc sản xuất Artemia thường chỉ diễn ra ở nơi có độ mặn cao như ruộng muối và việc sản xuất còn mang tính mùa vụ (chỉ nuôi được trong mùa khô trong khi đa số con giống được sản xuất vào mùa mưa). Do vậy, muốn việc chủ động đối tượng này thì nuôi sinh khối trên bể kết hợp trong các trại sản xuất giống là rất cần thiết.
Trong nghiên cứu này, Artemia được nuôi bằng nước biển và nước muối với hai phương thức có và không có ứng dụng biofloc, kết hợp của hai nhân tố này cho ra tổ hợp gồm 4 nghiệm thức.
Artemia được nuôi với mật độ 500 nauplii/L, độ mặn 30‰ và được theo dõi trong 20 ngày. Trong hai ngày đầu, Artemia được cho ăn tảo tươi Chaetoceros sau đó thay thế bằng thức ăn cho Artemia. Đối với các nghiệm thức ứng dụng biofloc, rỉ đường được thêm vào bể nuôi từ ngày thứ 5 và tuần tự bổ sung sau đó theo hàm lượng TAN trong nước.
Kết quả cho thấy hàm lượng TAN trong thí nghiệm dao động từ 0,1 - 2,5mg/L có xu hướng tăng dần theo thời gian thí nghiệm cho tới tuần thứ 2 ở tất cả các nghiệm thức. Việc duy trì NO2- khá ổn định ở mức thấp (dưới 0,6mg/L) ở các nghiệm thức biofloc trong suốt quá trình nuôi chứng tỏ có sự hoạt động tích cực của các vi khuẩn trong việc chuyển hóa nitrogen.
Hình 1: Biến động hàm lượng TAN (trái) và NO2- (phải) trong thời gian nuôi.
Tỷ lệ sống 7 ngày đầu dao động trong khoảng từ 83% - 93%, đến ngày thứ 14, tỷ lệ sống có xu hướng giảm nhưng không đáng kể (79-85%).
Chiều dài của Artemia ở các nghiệm thức dao động trung bình trong khoảng 3,67 - 3,68 mm. Khi có bổ sung rỉ đường (BF) thì chiều dài của Artemia tăng hơn khoảng 4 mm so với các nghiệm thức không bổ sung rỉ đường. Mặt khác, Artemia nuôi bằng nước ót pha cũng có chiều dài lớn hơn nước muối từ 0,4-0,5 mm.
Phương thức sinh sản bị tác động bởi cả hai nhân tố thí nghiệm và có khuynh hướng sinh trứng ở các bể nuôi trong hệ thống biofloc với nước ót pha. Việc tăng tỷ lệ sinh trứng có lẽ do môi trường ở NB-BF (nước biển 100%) có nhiều cơ hội để vi khuẩn phát triển hơn so với nước muối - biofloc do nước muối nên bị thiếu vi lượng vì thế vi khuẩn tăng quá mức làm ảnh hưởng tới phương thức sinh sản của chúng (báo hiệu môi trường không thuận lợi) Artemia có khuynh hướng sinh trứng và ngược lại.
Sau 20 ngày nuôi năng suất sinh khối Artemia đạt cao nhất ở các nghiệm thức nuôi trong hệ thống biofloc (BF) với trung bình 3,52 ± 0,08 g/L khác biệt có ý nghĩa thống kê. Sinh khối thu được ở các nghiệm thức có bổ sung rỉ đường (BF) cao hơn so với các nghiệm thức đối chứng (NBF) khoảng 8,6% và còn tiết kiệm được 14% lượng thức ăn đưa vào.
Hình 2. Sinh khối Artemia sau 20 ngày nuôi.
Việc sử dụng nước muối biển nuôi sinh khối Artemia làm giảm 36% giá thành sinh khối khi nuôi bình thường và ứng dụng biofloc làm giảm giá thành khoảng 18% khi nuôi với nước biển và 14% khi nuôi bằng nước muối.
Việc sử dụng nước muối và ứng dụng công nghệ biofloc trong nuôi sinh khối Artemia đạt hiệu quả cao sẽ góp phần đơn giản hóa quy trình nuôi, chủ động được nguồn thức ăn Artemia trong các trại giống từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn mà không phải phụ thuộc vào nguồn nước biển.
Tham khảo: Nguyễn Thị Hồng Vân, Nguyễn Văn Hòa và Huỳnh Thanh Tới (2021). Hiệu quả sử dụng nước muối biển nuôi sinh khối Artemia trong hệ thống biofloc, Tạp chí khoa học trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số 1 (2021) Trang: 177-185.