Các bệnh liên quan đến đường ruột khá phổ biến trong nuôi tôm công nghiệp hiện nay. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây hại cho tôm và làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến sự thành công của vụ nuôi.
Thức ăn: Thức ăn để lâu bị ẩm, vón cục, nhiễm nấm mốc, vi khuẩn, không đảm bảo chất lượng, chứa độc tố… khi cho tôm ăn sẽ dễ bị mắc bệnh đường ruột. Thức ăn cho ăn bị dính trên thành bạt, máy quạt nước… lâu ngày bị nhiễm nấm mốc, vi khuẩn rơi xuống tôm ăn phải cũng khiến bệnh bùng phát.
Tảo độc: Trong ao nuôi thường tồn tại nhiều loại tảo khác nhau, trong đó có nhiều loại tảo có khả năng tiết ra enzym làm tê liệt lớp biểu mô ruột khiến ruột tôm không thể hấp thụ thức ăn được.
Tôm khỏe có đường ruột đầy thức ăn, sẫm màu. Tôm bệnh đường ruột đứt khúc, chứa dịch nhiều. Ảnh: CTV
Nhiễm ký sinh trùng Gregarine (trùng 2 tế bào): Khi tôm ăn phải ký chủ của loài Gregarine này như nhuyễn thể hai mảnh vỏ, giun nhiều tơ, ốc… sẽ bị ấu trùng xâm nhập vào ruột, phát triển thành dạng trưởng thành, sống ký sinh và bám vào thành ruột. Khi mật độ Gregarine dày đặc sẽ làm tắc nghẽn ruột, hình thành những tổn thương ở đường ruột tạo điều kiện cho tác nhân cơ hội tấn công gây bệnh cho tôm nuôi.
Vi khuẩn: Vi khuẩn Vibrio cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh phân trắng trên tôm. Khi môi trường ô nhiễm các loài vi khuẩn, virus phát triển mạnh và xâm nhập vào cơ thể tôm gây bệnh. Hầu hết các chủng Vibrio đều có khả năng gây bệnh, khi vào đường ruột, vi khuẩn phá hủy thành ruột gây viêm, tôm không ăn được dẫn đến trống ruột, đứt khúc.
Do dùng kháng sinh, hóa chất diệt khuẩn không đúng cách.
Môi trường: Trong suốt giai đoạn nuôi, người nuôi không kiểm soát tốt chất lượng môi trường nước dẫn đến môi trường ô nhiễm. Các dụng cụ, vật tư thiết bị… chưa được vệ sinh xử lý triệt để. Nền đáy ao nuôi bị ô nhiễm do các chất lắng đọng (thức ăn dư thừa, phân tôm, vỏ tôm, xác tảo).
Tôm yếu ăn hoặc bỏ ăn, đường ruột bị mờ đục, bị đứt từng đoạn hoặc không có thức ăn trong đường ruột, đường ruột bị viêm đỏ.
Thức ăn trong đường ruột không cố định chuyển động khi lắc nhẹ thân tôm.
Khi kiểm tra sàng thấy phân tôm bị đứt khúc, dễ nát, đường phân bị cong, màu sắc nhợt nhạt khác với màu phân bình thường.
Khi có tiếng động lớn hoặc ánh sáng mạnh, tôm rất sợ hãi.
Nếu bị nặng hơn thì tôm xuất hiện đốm trắng, đường ruột có thể bị xuất huyết.
Sau khi tôm mắc bệnh đường ruột, nếu cho ăn nhiều, chúng sẽ chết càng nhanh và hiện tượng chết sẽ xảy ra sau 2 - 3 ngày. Nếu khỏi thì cũng gây thiệt hại lớn, tôm có nguy cơ bị teo gan và còi.
Khi phát hiện bệnh giai đoạn nhẹ (dấu hiệu mờ khúc ruột cuối, chưa đứt khúc, tôm chưa rớt đáy), có thể dùng tỏi để điều trị. Trộn 10 - 15 g tỏi xay (ngâm 1 giờ lấy nước) cho 1 kg thức ăn, thực hiện trong vòng 5 - 7 ngày. Tỏi có bản chất là kháng sinh, vì vậy, ngoài việc trị các vi khuẩn gây bệnh, nó còn diệt luôn các vi khuẩn có lợi. Để khắc phục điều này, cần sử dụng chế phẩm sinh học bao gồm các vi khuẩn sống có lợi để tăng cường sức khỏe cho tôm.
Trường hợp phát hiện bệnh muộn, khi đường ruột đã bị đứt khúc phần cuối và tôm đã rớt đáy thì phải dùng kháng sinh để điều trị. Lưu ý không sử dụng thuốc thuộc danh mục cấm và phải ngưng trước 25 ngày thu hoạch (nếu tôm lớn thì cần thu hoạch bán).
Để phòng tránh bệnh, trong quá trình nuôi, cần sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng. Bảo quản thức ăn nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa ánh sáng mặt trời. Theo dõi hằng ngày sức ăn của tôm để điều chỉnh cho phù hợp, tránh dư thừa. Phát hiện kịp thời tình trạng tôm bỏ ăn, phân trắng, đứt khúc để điều trị.
Diệt các loài tảo độc để tôm không bị ngộ độc, bị phân trắng. Sau khi diệt tảo có thể dùng vi sinh xử lý đáy để làm sạch đáy và nước ao nuôi.
Bổ sung men tiêu hóa và Vitamin C vào khẩu phần ăn của tôm để tăng đề kháng, kích thích đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt, tăng trưởng nhanh.
Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước, hạn chế được các loài vi khuẩn, tảo độc, virus xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh cho tôm.
Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích cho bà con!
Nguồn: contom.vn