Tăng cường quản lý ao nuôi tôm trong mùa mưa
Nhằm quản lý tốt tôm nuôi trong giai đoạn hiện nay, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đưa ra một số khuyến cáo đến hộ nuôi tôm, áp dụng thực hiện nhằm bảo vệ ao tôm.
– Cần xây dựng hệ thống ao lắng, ao chứa sẳn sàng, thiết kế mô hình nuôi tôm lót bạt khung sắt, khung xi-măng dưới hình thức ao nổi hoặc ao chìm, nuôi 2 – 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn ương ban đầu từ 15 – 25 ngày để hạn chế dịch bệnh chết sớm trên tôm và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chủ động được nguồn nước cho quá trình nuôi tôm và giữ ổn định mực nước ao nuôi từ 1 – 1,2 m.
– Ao nuôi có che lưới lan và tăng cường quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ, giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm.
– Con giống là yếu tố rất quan trọng cho việc thả nuôi, con giống phải qua xét nghiệm quan trọng để biết 3 loại bệnh nguy hiểm trên tôm như: đốm trắng, gan tụy cấp, vi bào tử trùng;
– Mật độ thả giống thẻ ao nuôi bạt đáy 100 – 120 con/m2, thẻ ao tròn 200 – 250 con/m2.
– Định kỳ lấy mẫu nước kiểm tra mật số vi khuẩn vibrio spp gây hại trong ao tôm với tần suất hàng tuần đến Trạm Thủy sản An Nghĩa (Ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) có thể test nhanh. Đồng thời, Chi Cục Thủy sản TP.HCM có xét nghiệm mẫu nước trên địa bàn TP.HCM 2 lần/tháng. Trung tâm Khuyến nông đã chuyển tải các chỉ số và khuyến cáo qua Trang Thông tin Điện tử khuyến nông TP.HCM (Website: www. khuyennongtphcm.vn).
– Nếu trong thời điểm mưa dầm kéo dài, thời tiết lạnh, nhiệt độ trong nước < 27ºC nên giảm 20 – 40% lượng thức ăn, tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, làm sạch môi trường nước ao nuôi,… đảm bảo lượng ôxy hòa tan trong nước lớn hơn hoặc bằng 5mg/lít để đảm bảo tôm tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn tốt hơn; tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nước và đáy ao, đặc biệt là các dòng Bacillus spp, Rhodobacter spp. Thường xuyên bổ sung các loại khoáng chất để tôm hấp thu tốt thức ăn và tăng cường sức đề kháng và ngừa bệnh gan tụy.
Để tiếp tục có vụ nuôi tôm được thành công Trung tâm Khuyến nông TP.HCM khuyến cáo nuôi tôm trong giai đoạn mùa mưa đạt hiệu quả, Hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại nuôi, hộ nông dân,… cần có thiết bị về quan trắc môi trường để bảo vệ ao nuôi tôm suốt quá trình nuôi có biện pháp xử lý kịp thời quản lý môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Lưu ý: Đối với hộ nuôi tôm cần phải thực hiện đăng ký khai báo nuôi trồng thủy sản và khai báo dịch bệnh theo quy định. Khi tôm bị thiệt hại không che giấu dịch bệnh, tuyệt đối không xả bừa bãi nước thải và bùn thải ra bên ngoài để tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh và lây lan dịch bệnh.
Ths Nguyễn Thị Gái Nhỏ
Nguồn tin: Khuyến nông TPHCM
#tapchithuysanvietnam #news #tintuc #vietnam #ntts #nuoitom #tphcm #phongbenhnuoitom