Thận trọng các bệnh phổ biến trên tôm mùa nóng

Ngày đăng: 09/11/2022 02:17 PM

    Thận trọng các bệnh phổ biến trên tôm mùa nóng

     

    Mùa hè, nhiệt độ lên cao và cũng hay xuất hiện những cơn mưa rào bất chợt là những yếu tố bất lợi làm xuất hiện những bệnh nguy hiểm cho tôm nuôi.

     

    Bệnh EMS

    Khi thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo những cơn mưa giông đột ngột làm các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi, quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ tăng sinh ra nhiều chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh EMS trên tôm nuôi làm chết tôm hàng loạt. Việc xuất hiện đột ngột những cơn mưa đầu mùa làm các vật chất hữu cơ trên bờ trôi xuống ao nuôi, rửa trôi phèn. Hệ sinh thái môi trường ao nuôi bị phá vỡ, sức đề kháng, hệ miễn dịch trong cơ thể tôm nuôi cũng suy giảm… Nhiệt độ và độ mặn ao nuôi tôm tăng cao, mật độ tảo dày đặc sản sinh ra vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus gây bệnh, tạo độc tố tác động lên gan tụy tôm nuôi. Nguyên nhân do nhiệt độ cao và biến đổi phù hợp cho vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus phát triển, vi khuẩn này bị tấn công bởi một loại virus (phage) tạo ra độc tố cực mạnh, khi chúng xâm nhập vào cơ thể tôm (qua đường tiêu hóa), độc tố này sẽ thẩm thấu, phá hủy các mô tế bào, gây rối loạn chức năng tiêu hóa và gan tụy tôm, gây ra hiện tượng chết hàng loạt, nhất là sau khi lột xác.

     

    Bệnh phát sáng

    Bệnh phát sáng ở tôm là một hiện tượng đặc biệt chỉ được phát hiện vào ban đêm. Bệnh xuất hiện trên cả tôm sú và TTCT, xảy ra trong tất cả giai đoạn trong vòng đời của tôm. Thời điểm xảy ra bệnh thường là mùa hè khi nhiệt độ và độ mặn trong ao tôm tăng cao. Hiện tượng phát sáng không khiến tôm chết hàng loạt nhưng làm tôm giảm ăn, dễ bị stress khi tình trạng kéo dài, tôm phát triển không cân đối, bỏ ăn, lâu dần sẽ xuất hiện tôm chết rải rác. Nếu nguyên nhân do tảo gây ra sẽ dẫn đến tôm chậm lớn, phát triển không đồng đều, có thể đóng rong ở mang và vỏ. Nếu tôm bị nhiễm khuẩn Vibrio harveyi sẽ có biểu hiện: tôm bơi không định hướng. Kiểm tra sẽ phát hiện trên tôm có những điểm sáng xanh ở hậu môn, miệng, nghiêm trọng hơn thì điểm sáng sẽ lan rộng ra toàn thân. Quan sát bằng kính hiển vi sẽ thấy vi khuẩn phát sáng di chuyển trong thân tôm. Thân và mang tôm có màu sẫm, bẩn, thịt đục màu. Tôm giảm ăn, khi chết không có thức ăn và phân trong ruột. Gan viêm và teo nhỏ, mất chức năng tiêu hóa. Nếu ấu trùng tôm nhiễm bệnh sẽ có màu trắng đục, nặng hơn thì sẽ lắng dưới đáy bể ương và chết hàng loạt. Tôm chết đáy rải rác tùy vào mức độ của bệnh. Nếu nhiễm bệnh 100% đàn tôm trong giai đoạn 45 ngày nuôi đầu, có thể gây chết tôm hàng loạt.

     

    Ảnh: VTS

     

    Bệnh đốm trắng WSSV

    Các nhà nghiên cứu bệnh học thủy sản cho biết, bệnh đốm trắng thường xuất hiện ở tôm nuôi vào mùa xuân và đầu mùa hè khi khí hậu, thời tiết thay đổi nhiều như sự biến thiên quá lớn của biên độ nhiệt giữa ngày và đêm dẫn đến tôm bị sốc và dễ nhiễm bệnh. WSSV gây chết trên mọi giai đoạn phát triển từ ấu trùng đến tôm giống và tôm trưởng thành. Bệnh đốm trắng được chia làm 2 dạng: dạng 1 là bệnh cấp tính thường làm cho tôm nuôi - nhất là các loài tôm thuộc giống tôm he - bị chết hàng loạt với tỷ lệ cao trong vòng vài tuần; dạng 2 là bệnh tiềm ẩn, tồn tại độc lập trong các loài thuộc giống tôm càng xanh (Macrobrachium), các loài cua và tôm hùm sống trong tự nhiên và thường không có dấu hiệu bệnh lý. Bệnh do virus thường biểu hiện một số triệu chứng bệnh lý như tôm có hiện tượng dạt vào bờ, giảm ăn, quan sát trên thân tôm thấy xuất hiện những đốm trắng tròn nằm dưới lớp vỏ kitin ở giáp đầu ngực hoặc toàn thân. Thân tôm xuất hiện màu hồng tím. Tôm chết hàng loạt và có thể chết 100% chỉ trong 3 - 5 ngày sau khi có dấu hiệu bệnh.

     

    Bệnh cong thân đục cơ

    Khi nhiệt độ nước cao, tôm bị sốc nhiệt hoặc do pH dao động trong ngày lớn hơn 0,5. Do thức ăn thiếu một số loại khoáng chất và vitamin cần thiết. Mặt khác, khi trời nắng nóng, nếu bật, tắt quạt khí đột ngột hoặc kiểm tra tôm bằng nhá, vó nhiều cũng gây ra hiện tượng đục cơ trên tôm.

     

    Bệnh phân trắng

    Phân trắng là loại bệnh phổ biến trong tôm nuôi thường bắt đầu gặp từ thời điểm tôm nuôi được 40 ngày trở đi; có nhiều tác nhân có thể gây bệnh. Ban đầu, có thể chỉ một nhân tố cụ thể gây bệnh trước, sau đó các nhân tố khác có cơ hội tấn công tiếp khi tôm đã bị suy yếu khả năng kháng thể. Do nguyên nhân gây bệnh đôi khi không phải chỉ do một tác nhân nên việc trị bệnh chỉ thực sự đem lại hiệu quả nếu chúng ta xác định đúng nguyên nhân.  Bệnh thường xảy ra khi nhiết độ kéo dài > 32oC, ôxy hòa tan < 3 ppm; nồng độ các chất hữu cơ cao > 100 ppm; nồng độ Vibrio cao > 1 x 102 CFU/ml; độ kiềm < 80 mg CaCO3/l hoặc > 200 mg CaCO3/l. Bệnh phân trắng nếu phát hiện bệnh sớm và xử lý kịp thời, khả năng bắt mồi của tôm sẽ trở lại bình thường; nếu không cường độ bỏ ăn ngày càng cao. Tôm bệnh ngày một gia tăng, đến mức độ nào đó sẽ thấy hiện tượng tôm chết rải rác ở đáy ao, từ vài con đến hàng trăm con/ngày và mỗi ngày một tăng.

     

    Biện pháp phòng bệnh

    Việc chuẩn bị ao nuôi phải được thực hiện theo đúng quy trình: tẩy dọn, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy, gia cố bờ ao…

    Chỉ cấp nước đã được xử lý qua ao lắng, duy trì mực nước 1,2 - 1,5 m, kiểm tra các thông số môi trường ao tôm (độ mặn, pH, ôxy, nhiệt độ…) và theo dõi hoạt động của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.

    Chọn con giống khỏe mạnh, rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị nhiễm các mầm bệnh. Tôm giống có kích cỡ lớn (Post 12 trở lên).  Mật độ thả tôm phải phù hợp với điều kiện chăm sóc, tôm sú (15 - 20 con/m2), TTCT (70 - 80 con/m2). Thời gian thả giống tốt nhất vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm tôm bị sốc nhiệt, yếu dẫn đến chết.

    Nhiệt độ: Nhiệt độ nước thích hợp cho ao nuôi tôm từ 28 - 30oC. Khi nhiệt độ nước ao nuôi tăng lên trên 32oC cần giảm thức ăn, bổ sung Vitamin C vào trong thức ăn hay tạt và tăng thời gian chạy quạt nước.

    Độ mặn: độ mặn thích hợp cho sự phát triển của tôm từ 8 - 20‰.

    Nắng nóng kèm theo sự bốc hơi của nước ao làm cho độ mặn của ao nuôi tăng cao. Vì vậy, nước cần được cấp vào ao nuôi để ổn định môi trường nuôi. Nước từ ao lắng đã qua xử lý cần được cấp từ từ (10 - 15%) lượng nước trong ao vào lúc trời mát (khoảng sau 19 giờ tối).

    Định kỳ bổ sung các loại khoáng chất theo phương pháp cho ăn hoặc tạt vào nước.

    Định kỳ sử dụng các loại men vi sinh, các chế phẩm sinh học để làm sạch nước, giảm khí độc, duy trì và ổn định pH…

    Cho ăn với lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm ao nuôi. Nếu những ngày nắng nóng nhiệt độ trên > 32oC thì cần giảm thức ăn khoảng 70 - 80% lượng thức ăn hàng ngày hoặc có thể cắt cữ trong ngày.

    Định kỳ bổ sung các loại vitamin tổng hợp, men đường ruột, các sản phẩm bổ gan để giúp tôm tăng trưởng nhanh, sức đề kháng tốt.

    Tăng cường chạy quạt để giảm sự phân tầng nhiệt độ và cung cấp đầy đủ ôxy cho ao nuôi.

    Bổ sung chất dinh dưỡng cho tôm trong những ngày nắng gắt hoặc mưa âm u. Bổ sung Vitamin C, β-glucan... nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm trong những ngày thời tiết bất thường.

    Giảm 30 - 50% lượng thức ăn khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc nắng gắt, mưa âm u nhiều ngày.

    Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bà con nuôi tôm!

    Nguồn: contom.vn

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline