Tình trạng dịch bệnh tôm nuôi lan rộng
(TSVN) – Mấy ngày nay xảy ra tình trạng dịch bệnh tôm nuôi, chết rải rác và có nguy cơ lây lan diện rộng tại nhiều tỉnh do nắng nóng gay gắt, kéo dài và một số nguyên nhân khác.
Tại Thừa Thiên – Huế, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, ngoài thời tiết nắng nóng, diễn biến phức tạp, qua kiểm tra thực tế, các hộ nuôi TTCT còn lấy nước trực tiếp đưa vào ao nuôi, hoặc nước từ ao nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường. Người dân thiếu sự quan tâm nghiên cứu, xử lý các chất khi sử dụng chế phẩm sinh học, chất xử lý môi trường trong NTTS… Đây là những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ dịch bệnh mà ngành thủy sản đang hướng dẫn người dân khắc phục, cải tiến để đảm bảo nghề nuôi bền vững hơn.
Môi trường tại một số vùng nuôi thủy sản đầm phá cũng thay đổi đột ngột, diễn biến phức tạp. Ghi nhận tại vùng nuôi xã Phú Xuân, một số yếu tố môi trường cao gấp rưỡi, gấp đôi ngưỡng cho phép, kèm theo nhiệt độ nước ở mức cao gây hại sức khỏe, bất lợi cho thủy sản nuôi.
Trong khi đó, kết quả quan trắc chỉ tiêu độ kiềm ở một số địa phương như xã Quảng Công, thị trấn Sịa (Quảng Điền), các xã Vinh Thanh, Phú Xuân (Phú Vang) ở ngưỡng quá thấp, dẫn đến hiện tượng bất thường cho thủy sản như giảm ăn, bơi quanh sát bờ ao và rất dễ bị bệnh. Ngành chức năng tỉnh khuyến cáo các vùng nuôi trên cần phải có phương án lấy nước và xử lý nước phù hợp để tránh làm “sốc” cho các vật nuôi trong ao. Người nuôi cần chuẩn bị đầy đủ nguồn nước để cấp vào ao, xử lý, điều hòa môi trường, theo dõi các yếu tố môi trường để thay đổi chế độ, khẩu phần thức ăn hợp lý, tránh dư thừa gây ô nhiễm, bổ sung các loại dinh dưỡng, chế phẩm sinh học nhằm tăng đề kháng cho tôm nuôi.
Còn tại Phú Yên , Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên Đào Quang Minh, cho biết: “Đến nay, diện tích thả nuôi thủy sản các loại trên địa bàn tỉnh khoảng 1.315 ha, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích thả nuôi cá các loại khoảng 155 ha, tôm khoảng 950 ha, thủy sản các loại khoảng 210 ha. Đối với nuôi thủy sản lồng bè, đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 78.220 lồng, giảm 3,5% so với năm trước, trong đó huyện Tuy An gần 7.700 lồng, thị xã Đông Hòa 13.645 lồng và thị xã Sông Cầu khoảng 56.875 lồng, giảm hơn 2.820 lồng.
Theo Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên, mới đây đơn vị đã lấy mẫu nước tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm. Kết quả quan trắc môi trường nước cấp tại các vùng nuôi cho thấy có một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép.
Trong những ngày qua, thời tiết nhiều nơi trong khu vực có nắng nóng, người nuôi nên thường xuyên theo dõi sức khỏe thủy sản nuôi, đồng thời theo dõi các thông số môi trường như nhiệt độ, độ mặn, pH, ôxy hòa tan… để có phương pháp xử lý kịp thời; bổ sung Vitamin C, khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng và chủ động phòng bệnh cho thủy sản nuôi; giảm lượng thức ăn cho tôm nuôi tránh thức ăn thừa làm ô nhiễm nền đáy ao nuôi.
Ngành chức năng khuyến cáo, các địa phương có nuôi trồng thủy sản cần tăng cường các giải pháp quản lý tốt vùng nuôi, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc nhiễm bệnh, người nuôi cần báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc trạm chăn nuôi và thú y để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không xả nước, chất thải chưa qua xử lý hoặc xác thủy sản chết, bị bệnh ra môi trường. Các hộ nuôi trong cùng một vùng tổ chức sản xuất theo tổ cộng đồng áp dụng các quy trình thực hành nuôi tốt, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn vùng nuôi.