Xuất khẩu tôm của Cà Mau phục hồi nhanh sau dịch COVID-19

Ngày đăng: 10/12/2020 02:27 PM

    Cà Mau hiện có trên 280.000 ha nuôi tôm, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước với sản lượng hàng năm đạt trên 180.000 tấn, chiếm 22% sản lượng tôm cả nước.

    Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy ở khu công nghiệp phường 8, thành phố Cà Mau. Ảnh: TTXVN

    Sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp của tỉnh Cà Mau đang phục hồi với tốc độ tốt, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản - đó là khẳng định của ông Dương Vũ Nam – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau về triển vọng xuất khẩu tôm của địa phương trong năm 2020. 

    Năm 2020, tỉnh Cà Mau dự kiến, kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức 950 triệu USD. Nhưng thời gian gần đây, tình hình phục hồi của các doanh nghiệp rất khả quan. Do đó, kim ngạch xuất khẩu kết thúc năm 2020 của Cà Mau vẫn sẽ đạt trên 1 tỷ USD.
    Sở Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu.
    Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Cà Mau đã hỗ trợ liên kết giữa sản xuất và phân phối trên thị trường thông qua hoạt động xúc tiến thương mại; tạo cầu nối giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nghiên cứu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước - ông Dương Vũ Nam chia sẻ.
    Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã quan tâm chỉ đạo nhiều giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho doanh nghiệp; tạo cầu nối triển khai có hiệu quả chương trình kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp.
    Những giải pháp trên đã tạo điều kiện để doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn; tiếp cận gói sản phẩm tín dụng ưu đãi, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh sau thời gian dịch bệnh kéo dài.
    Từ đó, các ngân hàng – tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho trên 2.000 khách hàng (bao gồm cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp...) với tổng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ trên 1.000 tỷ đồng.
    Thông tin về vấn đề này, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cà Mau Trần Quốc Khởi cho biết, hiện có 13 chi nhánh ngân hàng cho vay đối với 52 doanh nghiệp xuất khẩu. Tổng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên 5.800 tỷ đồng; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng bởi dịch gần 880 tỷ đồng.
    Hiện các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng tích cực xử lý, thu hồi nợ xấu, cơ cấu lại thời hạn nợ, tạo nguồn vốn đầu tư tín dụng, tập trung cho vay đối với sản xuất - kinh doanh, phục vụ cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phát huy thế mạnh của tỉnh Cà Mau là thủy sản; đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu vốn cần thiết cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
    Tuy vậy, trong quá phát triển, ngành tôm Cà Mau vẫn chưa phát huy được hết các tiềm năng và lợi thế. Thực tế, trong quá trình phát triển còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, hạn chế.
    Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thẳng thắn, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, khó kiểm tra, kiểm soát.

    Trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

    Hiện Cà Mau vẫn chưa có nhà máy sản xuất nguồn thức ăn cho tôm nuôi. Đây là hạn chế rất lớn trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, bởi vấn đề này có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước xuất khẩu tôm…
    Hàng năm Cà Mau cần khoảng 30 tỷ con tôm giống nhưng hiện các nơi sản xuất con giống trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu này, còn lại đều phải nhập ngoài tỉnh - ông Bằng thông tin.
    Cà Mau đã tích cực thực hiện các giải pháp nhằm thu hút kêu gọi đầu tư góp phần thúc đẩy, phát triển ngành tôm với quy mô tăng dần theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; đồng thời, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
    Tỉnh xác định, đây là cơ hội lớn để tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong chuỗi ngành hàng tôm cùng hỗ trợ nhau hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam nói chung và ngành tôm Cà Mau nói riêng trên thị trường quốc tế.
    Tôm là ngành hàng chủ lực của Cà Mau, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện Cà Mau có trên 280.000 ha nuôi tôm, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước với sản lượng hàng năm đạt trên 180.000 tấn, chiếm 22% sản lượng tôm cả nước.
    Tôm Cà Mau được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận (ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland…). Trên địa bàn hiện có khoảng 30 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, có trang thiết bị công nghệ hiện đại tầm cỡ so với khu vực và thế giới với công suất trên 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm.
    Đến nay, tôm Cà Mau đã có mặt ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bình quân hàng năm kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 1 tỷ USD./. 

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline