Ông Trần Văn Út, người dân tộc Khmer ở ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã học hỏi và thực hiện thành công mô hình nuôi sò huyết, giúp gia đình ông thoát nghèo và có nguồn thu nhập ngày càng ổn định.
Là một trong những hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer của địa phương, cuộc sống của gia đình ông Út trước đây cũng gặp không ít khó khăn. Cả gia đình chủ yếu dựa vào 10 công đất vuông thả tôm, cua để có được nguồn thu nhập trang trải cho gia đình. Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm, cua của gia đình ông thực hiện không đem lại hiệu quả cao như mong muốn.
Vốn là một người kiên trì, chịu khó nên ông Út không ngừng nghiên cứu, học hỏi thêm các mô hình mới, đạt hiệu quả để triển khai thực hiện. Trong một lần tình cờ, ông Út tiếp cận được mô hình nuôi sò huyết và bắt đầu nuôi thí điểm. Sau thời gian nuôi, ông Út nhận thấy sự hiệu quả từ mô hình, nên ông đã nhân rộng thêm.
Ông Út cho biết: “Thật ra, tôi cũng không ngờ mô hình nuôi sò huyết đem lại hiệu quả như vậy. Ở vùng đất nầy, dưới sông trước nhà thường có sò huyết, gia đình tôi hay bắt ăn. Sau một thời gian, tôi nhận thấy nước sông và nước vuông có độ mặn như nhau nên bắt một ít sò huyết thả vào vuông và cũng với mục đích là để ăn. Nhưng không ngờ số sò huyết tôi thả nuôi lại phát triển nhanh, ăn không hết, do vậy tôi thu hoạch đem bán. Lúc đầu, chỉ bán với giá rẻ “bèo” 08 ngàn đồng/kg nhưng cũng không có nhiều người mua. Nhưng cũng may mắn là tôi kiên trì, lâu dần sò huyết được nhiều người biết đến và tìm mua, do nhu cầu thị trường cao nên sò huyết ngày càng có giá trị, giúp gia đình tôi vươn lên từ mô hình này”.
Mỗi năm ông Út thu hoạch được khoảng 02 tấn sò huyết, có nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi sò huyết được ông Út thực hiện đến nay đã trên 10 năm và cũng không ai ngờ rằng từ nguồn sò giống ông tận dụng dưới sông khi xưa đã giúp ông khởi nghiệp một cách thành công đến thế. Hiện tại, mô hình nuôi sò huyết được phổ biến rộng rãi và có nhiều người thực hiện nên dưới sông cũng không còn sò huyết để ông Út bắt thả vào vuông. Do vậy, ông phải mua nguồn sò giống tại địa phương.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông đã tìm tòi, nghiên cứu và tự ươm vèo sò giống, thả nuôi thành công. Không những thế, ông còn trở thành người cung cấp sò giống cho bà con tại địa phương với giá dao động từ 180 – 200 ngàn đồng/kg. Khi bán sò huyết giống, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi để những người có nhu cầu cùng nhau phát triển thành công mô hình này.
Với diện tích hơn 10 công đất vuông, mỗi năm ông Út thả giống khoảng 400kg sò huyết giống, trung bình từ 8 – 12 tháng thì thu hoạch, năng suất khoảng 02 tấn/năm. Sò huyết sau khi thu hoạch được thương lái đến tận nhà thu mua với giá dao động khoảng 150 ngàn đồng/kg (loại 60 con), tùy thời điểm. Mỗi năm, mô hình sò huyết đem lại cho ông thu nhập hơn 200 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống, giúp ông vươn lên thoát nghèo thành công.
Ông Danh Văn Đô, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, cho biết: “Ở địa phương, ông Út là một trong những người chịu khó tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu các mô hình hay để phát triển, nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Mô hình nuôi sò huyết của ông được xem là mô hình tiên phong tại địa phương và cũng nhờ hiệu quả từ mô hình này mang lại đã thúc đẩy người dân địa phương học hỏi, triển khai nhân rộng. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Út còn gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia đầy đủ các phong trào do địa phương phát động”.
Cổng TTĐT Cà Mau