Điều chỉnh thuế suất, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi

Ngày đăng: 30/06/2021 11:26 AM

    Điều chỉnh thuế suất, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi

    Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
    Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Bảo Thắng.

    Điều chỉnh thuế suất ngô hạt, khô đậu tương, nguyên liệu đầu vào... là những biện pháp Tổng cục Thống kê kiến nghị nhằm đảm bảo duy trì ổn định chuỗi cung ứng nông sản.

    Tại buổi Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế, xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết thêm, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,24% so với quý trước và tăng 3,87% so với cùng kỳ năm trước.

    Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,83%. Tất cả những yếu tố này dẫn đến việc tăng giá của nhiều loại vật tư, phân bón nông nghiệp, như chúng ta thấy thời gian qua.

    Chung lo ngại với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản cho biết, từ đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 5-7 lần, mỗi lần 200-300 đồng/kg. Theo ông Hùng, với chăn nuôi, đặc biệt là những ngành mà chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu vào như nuôi lợn, cá tra, hay tôm, điều này tác động rất lớn. 

    Vụ trưởng Vụ Thống kê
    Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản. Ảnh: Bảo Thắng.

    Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ cảnh báo hiện tượng nhập siêu gia tăng thời gian qua. Ông Phong khuyến cáo, ngành nông nghiệp cần sớm thúc đẩy các chuỗi giá trị cung ứng nông sản để cân bằng cán cân thương mại.

    Ngoài sản xuất, Vụ trưởng Nguyễn Việt Phong kiến nghị Chính phủ có những chính sách hạ nhiệt thức ăn chăn nuôi, như điều chỉnh thuế suất ngô hạt, khô đậu tương, hay một số nguyên liệu khác, nhằm giúp bà con nông dân duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, trong dài hạn, đảm bảo thị trường thức ăn chăn nuôi giúp giảm tác động của xu hướng ly nông, vốn xuất hiện từ lâu ở đại bộ phận lao động trẻ nông thôn.

    "Nông nghiệp đã thể hiện rõ rệt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021. Dù trải qua hai đợt dịch Covid-19, nông nghiệp Việt Nam đã tránh được sự cứng nhắc trong phản ứng, không cách ly cả khu vực trên diện rộng, và đảm bảo kết nối, duy trì sản xuất. Đây sẽ là tiền đề để nền nông nghiệp nói riêng và kinh tế cả nước nói chung đạt kết quả tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm". Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương khẳng định.

    Bảo Thắng

    Nông nghiệp Việt Nam

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline