Doanh nghiệp thủy sản có thể gặp khó từ tháng 8 trở đi

Ngày đăng: 25/08/2021 09:21 AM

    VDSC: Doanh nghiệp thủy sản có thể gặp khó từ tháng 8 trở đi

    VDSC: Doanh nghiệp thủy sản có thể gặp khó từ tháng 8 trở đi

    VDSC cũng chỉ ra lo ngại về sự sụt giảm của doanh thu ngành thủy sản có thể diễn ra tiếp tục vào quý 4/2021 do các ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

    Sáu tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đã tăng mạnh nhờ nhu cầu phục hồi tại các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là Mỹ. Số lượng từ Bộ Công Thương, sản lượng xuất khẩu đã trở lại mức trước đại dịch COVID-19, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước trong khi giá bán trung bình giảm nhẹ 2%.

    Theo đó, hầu hết các công ty thủy sản đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khả quan nửa đầu năm. Đáng chú ý, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã CK: VHC) và CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã CK: FMC) đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, chủ yếu nhờ xuất khẩu sang Mỹ tăng. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến mức tăng lợi nhuận ròng thấp hơn doanh thu ở một số công ty chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và EU.

    Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản bắt đầu phản ánh tiêu cực từ tháng 8 trở đi

    Nhìn nhận về ngành trong nửa cuối năm 2021, báo cáo mới đây của CTCK Rồng Việt (VDSC) đã nhận định chính sách giãn cách xã hội ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung thủy sản chế biến trong 6 tháng cuối năm do giảm công suất hoạt động tại các nhà máy. VDSC cho rằng tác động tiêu cực từ việc giãn cách xã hội sẽ bắt đầu phản ảnh rõ hơn vào kết quả kinh doanh các doanh nghiệp kể từ tháng 8 trở đi.

    Theo VDSC, triển vọng nguồn cung vốn đã khó khăn đối với thủy sản Việt Nam sẽ càng thêm phức tạp do các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta có hiệu lực vào ngày 19/07.

    Nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã phải đóng cửa, nếu tiếp tục hoạt động phải giảm công suất hoạt động, đồng thời phải thực hiện “3 tại chỗ” và xét nghiệm nhanh COVID-19 thường xuyên với các công nhân tại nhà máy khiến chi phí tăng mạnh và gây áp lực cho các doanh nghiệp

    Đồng thời, công suất theo đó chỉ đạt khoảng 50 - 60% năng lực. Theo Undercurrent News, sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 7 đã giảm khoảng 18% so với tháng trước.

    Tuy nhiên, thống kê trong tháng 7, nhiều doanh nghiệp thủy sản niêm yết vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khả quan. Điều này được lý giải là do các công ty đầu ngành có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất, mặc dù công suất thấp hơn bình thường, cùng với đó là độ trễ thông thường của hàng tồn kho khoảng một tháng giúp các doanh nghiệp có đủ hàng xuất khẩu trong nửa cuối tháng 7.

    Do đó, VDSC dự báo các công ty thủy sản sẽ bắt đầu chứng kiến ​​xuất khẩu giảm mạnh kể từ tháng 8 trở đi. Báo cáo cũng chỉ ra lo ngại về sự sụt giảm có thể diễn ra tiếp tục vào quý 4/2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

    VDSC: Doanh nghiệp thủy sản có thể gặp khó từ tháng 8 trở đi - Ảnh 2.

     

    Cùng quan điểm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cũng đã đánh giá, việc xuất hàng trong tháng 7 có thể vẫn sử dụng nguyên liệu và dự trữ tồn kho trước đó nên kết quả qua thống kê chưa phản ánh xu hướng sụt giảm, nhưng so với các tháng trước, mức tăng trưởng đã thấp hơn đáng kể.

    Theo đó, sản xuất sụt giảm trong hơn 1 tháng qua chắc chắn sẽ dẫn đến kim ngạch xuất khẩu trong cả tháng 8 giảm mạnh so với những tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành hàng cá tra bị tổn thất mạnh nhất vì hơn nửa số nhà máy cá tra bị ngừng hoạt động trong thời gian qua. Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ có thể giảm ít hơn so với cá tra.

    Nhìn rộng hơn, VDSC đưa ra kỳ vọng tích cực hơn về triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2022 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giúp các doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường trong nửa cuối năm 2021.

    Phương Linh - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline