Nuôi thủy sản năm 2021: Chú trọng phòng chống dịch bệnh

Ngày đăng: 14/08/2021 01:57 PM

    Nuôi thủy sản năm 2021: Chú trọng phòng chống dịch bệnh

     

    Dịch bệnh trên thủy sản nuôi được ngành chức năng dự báo sẽ bùng phát trong thời gian đến, vì thế ngành thủy sản, các địa phương của tỉnh cần chú trọng phòng chống.

    Một mô hình nuôi tôm trên cát. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
    Một mô hình nuôi tôm trên cát. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

    Nguy cơ cao

    Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm, bệnh trên tôm nuôi xảy ra nghiêm trọng, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Trên địa bàn tỉnh có 105ha tôm chết hàng loạt, trong đó chết do vi rút đốm trắng là 7,03ha, hoại tử gan tụy cấp là 1,7ha, do thay đổi các yếu tố môi trường là 96ha.

    Theo Bộ NN&PTNT, để giúp nông hộ nuôi trồng thủy sản an toàn, ngành thủy sản các địa phương cần tập trung các nguồn lực, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở cung ứng vật tư nuôi thủy sản trên thị trường như thức ăn, kháng sinh, hóa chất, các loại máy cung cấp oxy… Xu hướng hiện nay là người nuôi thủy sản ngày càng sử dụng nhiều chế phẩm sinh học nên các tỉnh, thành cần rà soát lại, đảm bảo chế phẩm sinh học chất lượng lưu hành, giúp người nuôi sử dụng hiệu quả.

    Ngoài ra, nhiều ao có tôm chết hàng loạt mà không xác định được nguyên nhân. Do môi trường nước bị ô nhiễm và biến động của thời tiết, số lượng cá điêu hồng, chẽm, rô phi, dìa, chim vây vàng... bị chết nhiều ở các lưu vực sông, các hồ chứa nước, ngành chức năng chưa có con số thống kê cụ thể.

    Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cảnh báo trong thời gian tới, nghề nuôi thủy sản trên phạm vi toàn quốc sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn. Nguy cơ dịch bệnh tấn công là do người nuôi tập trung tăng thả nuôi cuối vụ, trong khi đó thời tiết gặp bất lợi như giao mùa, hạn hán, bão, lũ lụt, xâm nhập mặn...

    Các mầm bệnh nguy hiểm như AHPND, WSD, EHP có mặt ở khu vực cửa sông, dịch bệnh có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm nuôi thương phẩm. Các yếu tố bất lợi về nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường tăng nhanh... sẽ tác động xấu khiến cho thủy sản nuôi chậm lớn, kém phát triển, sức đề kháng yếu, dễ bị chết.

    Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi với nguồn kinh phí lớn. Riêng Quảng Nam công tác này còn bất cập, nhất là về giám sát, cảnh báo bệnh trên thủy sản nuôi còn bị động.

    Từ năm 2020 trở về trước, mỗi tháng định kỳ 2 lần, Chi cục Thủy sản đều đặn lấy mẫu nước sông, nước biển, mẫu tôm nuôi, qua đó phân tích các chỉ tiêu môi trường, mầm bệnh, cảnh báo, khuyến cáo các hộ nuôi tôm áp dụng đồng bộ các biện pháp, hạn chế bệnh và dịch bệnh xảy ra. Tuy vậy, do thiếu kinh phí, công việc này đã dừng lại.

    Một bất cập khác là trong khi các địa phương như Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Đình, Quảng Bình, Bình Định... đã xây dựng chuỗi, cơ sở an toàn dịch bệnh cho tôm nuôi để phát triển bền vững thì Quảng Nam vẫn chưa triển khai thí điểm.

    Giải pháp nào?

    Ông Trần Đình Luân khuyến cáo các tỉnh, thành hướng dẫn người nuôi thủy sản tích cực triển khai các giải pháp quản lý tốt mùa vụ nuôi; đầu tư ao lắng để lọc nước, trữ nước sử dụng khi cần thiết. Các nông hộ chỉ nên thả giống nuôi thủy sản khi bảo đảm điều kiện ao nuôi, nhất thiết sử dụng giống thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch.

    Ngành thủy sản và các tỉnh, thành cần áp dụng đồng bộ các biện pháp tổng hợp phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Cùng với đó, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy trình nuôi thủy sản đã phổ biến để phù hợp hơn với các diễn biến của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng.

    Ngày 24.3.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 434 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách, nguồn lực để triển khai thực hiện bài bản, khoa học.

    “Trên cơ sở này, các tỉnh, thành phố cần đào tạo, bổ sung hệ thống, đội ngũ thú y thủy sản đủ năng lực để giám sát, cảnh báo, phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, từ đó tuyên truyền cho người nuôi triển khai các quy trình nuôi chuẩn. Các địa phương cần xây dựng các vùng nuôi thủy sản an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh, nhất là đảm bảo thủy sản sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là xuất khẩu” - ông Phùng Đức Tiến nói.

    Về các ao có tôm chết không xác định được nguyên nhân, bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, nguyên nhân là các địa phương và người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh không báo cáo, không tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định các yếu tố gây bệnh. Vì vậy, thời gian tới, cần khẩn trương khắc phục được điểm yếu này.

    “Tín hiệu vui là Quảng Nam đã sản xuất được giống thủy sản sạch, các nông hộ nên tiếp cận. Chúng tôi tiếp tục tập huấn, hướng dẫn, phổ biến các quy trình nuôi thủy sản sạch để người dân tiếp thu, áp dụng, kỳ vọng nuôi đạt giá trị cao. Đối với nuôi cá ở các lưu vực sông, hồ thủy lợi, thủy điện, nông hộ cần chọn cá giống khỏe mạnh, mua ở những cơ sở cung cấp uy tín; thả nuôi với mật độ thích hợp; chú ý tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách cho ăn đúng khẩu phần, đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các khoáng chất cần thiết” - bà Tâm nói.

     VIỆT NGUYỄN - Báo Quảng Nam Online

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline