Phát triển thủy sản trên Tây Nguyên

Ngày đăng: 25/02/2021 11:21 AM

    Phát triển thủy sản trên Tây Nguyên

    (TSVN) – Mảnh đất Tây Nguyên không chỉ nổi danh với cà phê mà nuôi trồng thủy sản cũng đang là hướng phát triển kinh tế được người dân nơi đây thực hiện. Đã có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản thành công, đặc biệt là với những con nuôi đặc sản.

    Thành công với tôm càng xanh

    Đó là thành công của anh Nguyễn Đức Thành ở thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk).

    Năm 2017, anh Thành thử nuôi tôm càng xanh trong ao cá, do chưa có kinh nghiệm nên hai vụ tôm đầu tiên anh bị thất bại. Không nản lòng, anh tiếp tục thực hiện mong muốn của mình. Năm 2019, anh Thành mua thêm 30.000 con tôm giống càng xanh về nuôi. Lần này, tôm sinh trưởng và phát triển tốt hơn, cuối vụ, gia đình anh thu được hơn 200 kg tôm càng xanh, lãi gần 30 triệu đồng…

    Sau thành công đó, anh Thành dành cả 6 ao với diện tích 1 ha mặt nước để nuôi hơn 100.000 con giống tôm càng xanh. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau 8 tháng nuôi, tôm càng xanh của gia đình anh đã có thể xuất bán, đạt từ 9 – 14 con/kg. Hiện gia đình anh Thành đang bắt đầu thu hoạch, ước tính sản lượng sẽ đạt từ 500 – 700 kg và lãi hơn 100 triệu đồng.

    Thành công bước đầu từ mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Thành mở ra hướng phát triển kinh tế mới đầy triển vọng cho nông dân địa phương.

    Triển vọng từ cá tầm

    Anh Nguyễn Nhật Linh, Bí thư Đoàn xã Rô Men (Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), xây dựng thành công mô hình nuôi cá nước lạnh tại quê hương để vươn lên làm giàu. 

    Năm 2017, nhận thấy xã Rô Men có khí hậu lạnh, nguồn nước trong mát, rất thích hợp nuôi cá nước lạnh, gia đình anh Linh đầu tư 5.000 m2nuôi cá nước lạnh. Trang trại của anh gồm 30 bể nuôi cá thương phẩm, nước được dẫn từ suối về các bể, từ bể trên chảy xuống bể dưới, rồi lại chảy ra suối. Việc để nước chảy như vậy giúp các bể cá luôn có lượng nước trong mát, tạo ôxy cho cá sinh trưởng và phát triển.

    Để thuận tiện, anh Linh thuê 5 lao động để vệ sinh bể và cho cá ăn mỗi ngày. Để nuôi cá thành công không bị chết, anh Linh phải chăm sóc rất kỹ; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn cá ở từng bể nuôi. Khi phát hiện con cá nào còi cọc, chậm lớn hay có biểu hiện không bình thường là anh lọc ra, cho sang bể khác và có chế độ chăm sóc riêng.

    Hiện tại cá tầm của anh Linh đã xuất bán được khoảng 3 tấn cá thương phẩm. Anh Linh chia sẻ, tôi muốn tận dụng lợi thế thiên nhiên ban tặng để phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. 

    Hiệu quả nuôi cá lồng

    Nuôi cá diêu hồng nuôi trong các lồng bè tại lòng hồ thủy điện Ia Grai 1 (huyện Ia Grai). Ảnh: H.C (Báo Gia Lai)

    Tận dụng nguồn nước sạch, trong xanh của hồ thủy lợi nhân tạo Ka La (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), người dân đã phát triển nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

    Điển hình là gia đình anh Lê Trung Hiếu (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh). Anh Hiếu đã thuê 5 ha diện tích mặt nước hồ và đặt lồng nuôi cá, chủ yếu là cá rô phi và điêu hồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

    Trại của anh Hiếu hiện có 40 lồng cá, được đánh số thứ tự và phân chia theo khu để dễ quản lý và chăm sóc. Mỗi lồng thả khoảng 5.000 con cá giống, sau 4 – 5 tháng nuôi sẽ cho thu hoạch, cá thương phẩm đạt kích cỡ từ 1 – 1,5 kg/con. Sau khi thu hoạch cá, lồng bè được vệ sinh rồi để nước tự nhiên phục hồi sau đó mới thả tiếp lứa mới. Trung bình một năm, anh Hiếu thả nuôi được hai lứa cá, sản lượng khoảng 100 tấn.

    Anh Lê Trung Hiếu chia sẻ, nuôi cá trên hồ Ka La có nhiều thuận lợi, mặt hồ rộng, nước sâu. Tuy nhiên, người nuôi cần chú trọng khâu vệ sinh, cho cá ăn với mức độ vừa phải, tránh thức ăn thừa vừa gây lãng phí, vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường nước. Để phòng bệnh cho cá, anh Hiếu dùng các bó lá cây có tính kháng sinh cao như lá xoan, lá thuốc thả xuống lồng cá. Cách làm này rất hiệu quả trong phòng trừ dịch bệnh cho đàn cá, đồng thời lại hiệu quả và đảm bảo chất lượng cá cũng như nguồn nước hồ.

    Theo: Tổng hợp

    Nguon: TSVN

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline