Bạc Liêu: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
(TSVN) – Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XVI) xác định từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là tập trung cho phát triển kinh tế biển. Đây được coi là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội quan trọng của tỉnh.
Phải khẳng định rằng, khu vực ven biển Bạc Liêu trong tương lai gần, sẽ trở thành vùng kinh tế năng động bậc nhất tỉnh và khu vực ĐBSCL. Bởi các thế mạnh về kinh tế chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển và khu vực này, đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đó là các dự án Khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, các dự án phát triển năng lượng tái tạo và điện khí, các dự án phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; các dự án cảng biển, cảng cá, phát triển khai thác đánh bắt thủy sản, chế biến xuất khẩu, dự án sản xuất muối chất lượng công nghệ cao…
Với bờ biển dài 56 km và vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 20.742 km2 gắn với ba cửa biển lớn là Gành Hào, Cái Cùng và Chùa Phật, cùng với sự giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển; vùng biển Bạc Liêu còn là căn cứ địa quan trọng về an ninh quốc phòng, góp phần cùng cả nước đảm bảo giữ vững an ninh và chủ quyền thiêng liêng của quốc gia.
Để khai thác và phát huy thế mạnh từ kinh tế biển, từ năm 2018 BCH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế biển Bạc Liêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Năm 2020, UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo trên, Bạc Liêu sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư để khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát huy vai trò là trụ cột của nền kinh tế. Cụ thể là tiến hành quy hoạch chi tiết vùng biển, ven biển và phát triển kinh tế biển của tỉnh, trên cơ sở chiến lược kinh tế biển quốc gia; chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị, cụm dân cư ven biển; quan tâm đầu tư các dự án công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; du lịch, dịch vụ thương mại; từng bước xây dựng huyện Đông Hải thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển.
Tập trung thu hút đầu tư khai thác lợi thế kinh tế biển: Phát triển nuôi trồng thủy, hải sản trong đất liền và trên biển; tập trung phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển đường thủy nội địa và cảng nước sâu kết nối với cảng Hòn Khoai, Năm Căn, Trần Đề, các khu kinh tế biển của khu vực miền Nam, hình thành cảng trung chuyển ven biển trong và ngoài nước.