Bất ổn thị trường tôm trước làn sóng Covid-19 mới

Ngày đăng: 10/05/2021 01:52 PM

    Bất ổn thị trường tôm trước làn sóng Covid-19 mới

     Dù tiêu thụ từ kênh dịch vụ ẩm thực giảm, nhập khẩu tôm đã tăng tại nhiều thị trường do giá thấp hơn. Cạnh đó, nhu cầu với tôm tươi và đông lạnh từ kênh bán lẻ cũng tăng. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 mới vẫn đang rình rập phía trước.

    Nguồn cung biến động

    Tại hầu hết các nước nuôi tôm, dữ liệu về sản lượng năm 2020 đến giờ mới được công bố. Tuy nhiên, theo nguồn tin sơ bộ và phân tích ngành tôm cho thấy sự tăng trưởng sản lượng chỉ ở mức vừa phải tại Ecuador, Indonesia và Việt Nam nhưng lại giảm mạnh ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Bangladesh. Đặc biệt, sản xuất tôm tại Trung Quốc giảm mạnh hơn các quốc gia châu Á khác. Từ tháng 11/2020, nuôi tôm tại châu Á gồm đông bắc Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Bangladesh bước vào mùa thấp điểm. Giá tôm cổng trại chạm đáy suốt quý IV/2020 và vẫn duy trì đến nay, đặc biệt đối với mặt hàng tôm cỡ lớn và cỡ trung. Phòng NTTS quốc gia Ecuador vừa công bố sản lượng tôm nuôi của nước này trong năm 2020 đã tăng 7 – 8% so mức 650.000 tấn của năm 2019. Trong khi đó, nguồn cung tôm biển tự nhiên của Argentina trong năm 2020 cũng thấp hơn năm 2019 do bắt đầu vụ khai thác muộn hơn, sinh khối giảm và hoạt động chế biến bị kìm hãm bởi Covid-19.

    Thương mại gập ghềnh

    Suốt 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm của Ecuador và Indonesia tăng nhưng của Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và Argentina lại giảm so cùng kỳ năm trước. Ecuador vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu dù bất chấp giá tôm của nước này thấp nhất thế giới, chi phí vận chuyển tăng cùng nhiều khó khăn về logistics và cả lệnh cấm nhập khẩu tạm thời từ Trung Quốc. Xuất khẩu tôm Ecuador tới 3 thị trường chủ lực gồm Trung Quốc, Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 7,9%; 50% và 20%. Trong khi đó, xuất khẩu tôm của Indonesia cũng tăng 20%, trong đó xuất khẩu sang Mỹ tăng 27,8%, Trung Quốc 65%; Malaysia 42%; Singapore 15% và Hàn Quốc 12%. 

    Ngược lại, tôm Ấn Độ mất thị phần vào tay đối thủ do sản lượng thấp hơn và đuối sức cạnh tranh trước Ecuador về nguồn cung tới giá. Xuất khẩu tôm Ấn Độ vào Mỹ, Trung Quốc, châu Âu giảm mạnh nhưng lại tăng tại Nhật Bản (8%), Việt Nam (4%) và Canada (17%). Xuất khẩu tôm của Argentina cũng trì trệ suốt giai đoạn này khi giảm 23,3% do sản lượng khai thác thấp hơn, riêng xuất khẩu sang thị trường chủ lực gồm châu Âu và Trung Quốc lần lượt giảm 30%. 

    Đáng nói, nhập khẩu tôm của 10 thị trường hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Canada, Nga, Hồng Kông đạt 2 triệu tấn suốt 9 tháng đầu năm ngoái, tăng 8,6% so cùng kỳ 2019. Dù  kênh dịch vụ ẩm thực suy yếu khắp toàn cầu, lượng nhập khẩu tôm tại Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng. Tại châu Âu, nguồn cung tôm từ Ecuador và Greenland chớp cơ hội đẩy mạnh khi lượng tôm từ Ấn Độ, Argentina và Việt Nam giảm. Tại Tây Ban Nha, Ecuador đã vượt Argentina trở thành nguồn cung tôm lớn nhất với xuất khẩu tăng trưởng 33% ở mức 37.240 tấn. Giá trị xuất khẩu tôm Ecuador tại Tây Ban Nha giảm 12% cũng phản ảnh chiến lược thúc đẩy bán hàng cực kỳ mạnh mẽ của quốc gia này. Trong khi đó, nhập khẩu tôm chế biến từ các nguồn ngoài EU từ Việt Nam, Indonesia và Thái Lan lại giảm mạnh. 

    Doanh số bán lẻ của thủy, hải sản vẫn tăng mạnh tại Mỹ từ năm ngoái, bất chấp đại dịch Covid-19, tạo đà tăng trưởng thuận lợi cho thương mại tôm tại thị trường này. Các kênh dịch vụ ẩm thực đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và luôn đối diện nguy cơ đóng cửa bất cứ lúc nào do Covid-19, nhưng điều này lại tạo điều kiện cho sự phát triển của xu hướng bán lẻ và thương mại diện tử. Thị phần tôm chế biến/giá trị gia tăng đã tăng 23% tại Mỹ (124.255 tấn) suốt 9 tháng đầu năm ngoái so với mức 20,6% của năm 2019. Hiện, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia vẫn là những nhà cung cấp chính. 

    Khi nguồn cung tôm nội địa giảm mạnh trong năm 2020 cùng giá bán tăng vọt, thì nhu cầu tiêu thụ tôm nhập khẩu tại Trung Quốc lại tăng cao. Nhập khẩu lũy kế suốt 9 tháng đầu năm trước tăng 4,8% so cùng kỳ, đạt 500.000 tấn. Nhập khẩu tôm từ Ecuador tăng 23,3%. Theo Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm từ Indonesia, Malaysia, Iran, Argentina, Canada, Greenland, Na Uy và Pakistan đều tăng. 

    Ngược với Trung Quốc, tầm quan trọng của thị trường Nhật Bản trong thương mại tôm toàn cầu lại đang mờ nhạt dần với nhập khẩu tôm giảm suốt 2 thập kỷ qua. Nhu cầu của người tiêu dùng với sản phẩm này vẫn duy trì ở mức thấp trong khi lượng tiêu thụ tôm tại nhà hàng và dịch vụ ăn uống giảm mạnh. Nhập khẩu tôm của Nhật thấp kỷ lục 174.100 tấn suốt 9 tháng năm ngoái, giảm 4,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu tôm nguyên liệu và tôm chế biến giảm lần lượt 3,2% và 6,6%. 

    Thoát bóng đen COVID-19?

    Covid-19 đang bùng phát mạnh với sức hủy diệt ghê gớm như các đợt sóng thần tại một số nước châu Âu, châu Á, đặc biệt là Ấn Độ – một trong những nguồn cung tôm lớn nhất thế giới. Theo các chuyên gia của FAO, trừ Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ tôm nhìn chung tiếp tục xuống thấp tại các thị trường thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Doanh số mặt hàng tôm tại các nhà hàng giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ nói chung của toàn thị trường, trong khi giá bán lẻ tôm vẫn cao tại hầu hết các thị trường ở Đông Á. Những thị trường nhập khẩu tôm quan trọng, gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Malaysia cũng giảm. Xu hướng cầu suy yếu sẽ tiếp diễn ở các thị trường thuộc Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC) ở Trung Đông với lượng nhập khẩu tôm giảm dần.

    Thậm chí với tình huống nguồn cung nhìn chung thấp, thì giá bán tôm nuôi đông lạnh vẫn duy trì xu hướng suy yếu. Năm ngoái, từ tháng 4 – 9, giá xuất khẩu TTCT Ecuador xuống mức thấp nhất thế giới. Từ tháng 10/2020, giá TTCT cổng trại bắt đầu chạm đáy, chủ yếu cỡ lớn và trung, trong khi giá tôm cỡ nhỏ lại được cải thiện. Giá tôm tươi tại châu Á vẫn duy trì ổn định và bắt đầu tăng từ tháng 10/2020. 

    Không may, Covid-19 đã quay lại và phủ bóng đen lên ngành tôm nói riêng trong năm 2021. Các lệnh giới nghiêm, phong tỏa đang được gia tăng tại Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và nhiều nơi khác, dự báo cung và cầu tôm trên thị trường năm nay vẫn tương đối mờ mịt và ảm đạm tính đến thời điểm hiện nay. Các vụ khai thác tôm tại Đông Á được kỳ vọng tăng trong tháng 2 để phục vụ nhu cầu suốt lễ Tết đầu năm, tuy nhiên, các lễ Tết đầu năm nay cũng không được tổ chức rầm rộ như mọi năm trước bởi Covid-19 đã gây một khởi đầu không thuận lợi tới thị trường tôm nói chung, gồm cả mặt hàng tôm đông lạnh.

    >> Theo FAO, thị trường tôm toàn cầu trị giá khoảng 40 tỷ USD, trong đó giá trị tôm thương mại toàn cầu ước đạt 28 tỷ USD/năm, chủ yếu là TTCT nuôi ở các nước châu Á và Mỹ Latinh. Do giá cả phù hợp nên Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ lớn của ngành tôm Việt Nam. Dự báo, tầng lớp trung lưu tăng nhanh tại thị trường đông dân nhất thế giới sẽ giúp ngành tôm duy trì tăng trưởng 10%/năm, ước đạt 600 triệu USD/năm.

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline