Do tác động của biến đổi khí hậu nên việc nuôi trồng thủy sản của nông dân gặp nhiều khó khăn, gây tác động xấu đến sức khỏe tôm nuôi. Vì vậy, cần quản lý tốt các thông số môi trường, nguồn nước để giúp tôm khỏe mạnh, lớn nhanh, có một vụ mùa bội thu.
Người nuôi tôm huyện Hòa Bình vệ sinh đáy ao nuôi. Ảnh: C.L
Hiện nay đang bước vào thời điểm giao mùa nên tình trạng nắng nóng hay mưa lớn kéo dài, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm sẽ là những biến động lớn, tác động trực tiếp đến tôm nuôi. Nếu các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột vượt quá giới hạn cho phép, tôm sẽ bị yếu, sốc và có thể chết hàng loạt. Cụ thể như, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra độ pH trong ao, nếu thấy pH chưa đạt ngưỡng thích hợp thì cần bón vôi CaCO3 với lượng 15 – 20kg/100m2.
Vào thời điểm trời mưa, lớp nước ở tầng mặt, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm có thể lên đến 500C, tôm nuôi rất dễ bị sốc. Vì vậy, cần đảm bảo độ sâu thích hợp cho ruộng nuôi, mực nước trên mặt ruộng tối thiểu từ 50cm. Khi nhiệt độ môi trường không khí và môi trường nước lên cao, hàm lượng oxy hòa tan vào nước sẽ thấp, mức độ tiêu thụ oxy của các loài thủy sinh vật trong ao, ruộng tăng, dẫn đến các hiện tượng thiếu oxy trong nước. Do đó, cần đảm bảo hàm lượng oxy ở ngưỡng thích hợp cho sự phát triển của tôm nuôi. Đồng thời, người nuôi cần dự trữ thêm viên oxy tức thời để phòng cho trường hợp thiếu oxy khẩn cấp.
Ngoài ra, để nuôi tôm chính vụ đạt hiệu quả, người nuôi cần tuân thủ đúng lịch thời vụ; cải tạo và thiết kế ruộng nuôi tôm – lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán cũng như xâm nhập mặn. Những hộ nuôi có diện tích nuôi rộng nên thiết kế thêm ao ương và ao lắng. Trong quá trình nuôi, áp dụng chặt chẽ các phương pháp phòng bệnh tổng hợp, nếu xảy ra dịch bệnh, cần thông báo ngay cho ngành chức năng để có biện pháp xử lý, tránh lây lan ra diện rộng. Người nuôi cần quan tâm hơn nữa phương thức sản xuất, nhất là khâu thiết kế, gia cố lại bờ bao thật chắc để giữ được nước và cải tạo ao ruộng nuôi thật tốt.
Thiên Hương
Báo Bạc Liêu