Cà Mau: Giá tôm tăng trở lại sau thời gian giảm sâu

Ngày đăng: 24/10/2023 09:03 AM

    Cà Mau có khoảng 280.000 ha nuôi tôm và được xem là vùng “thủ phủ” tôm của cả nước. Tôm ở Cà Mau được nuôi bằng hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi thâm canh và siêu thâm canh.

    Sau thời gian giảm sâu, giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau đã tăng trở lại nhưng vẫn còn ở mức thấp. Con tôm rớt giá ảnh hưởng trực tiếp đến hộ nuôi, còn các nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn.

    Thu hoạch tôm ở Cà Mau.

    Hiện tôm thẻ loại 30 con/kg được thu mua với giá 135.000 đồng/kg; 20 con/kg giá 145.000 đồng/kg, tăng trên dưới 20.000 đồng/kg (tùy loại). Tôm sú 20 con/kg giá 170.000 đồng/kg, 30 con/kg giá 140.000 đồng/kg; 40 con/kg giá 120.000 đồng…

    Nguyên nhân giá tôm sụt giảm thời gian qua, theo nhiều DN xuất khẩu thủy sản, là do khủng hoảng kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên nhiều đối tác không ký đơn hàng mới dẫn đến hàng tồn kho nhiều. Nhiều DN hoạt động cầm chừng hoặc giảm quy mô chờ đơn hàng mới để xuất khẩu.

    Những tín hiệu mới từ thị trường mang lại niềm vui cho người nuôi tôm và các DN xuất khẩu thủy sản, tuy nhiên, theo các chuyên gia, con tôm vẫn còn nhiều thách thức do giá thành sản phẩm cao, tỉ lệ nuôi thành công thấp, trong khi giá vật tư, thức ăn thủy sản tăng dẫn đến giá tôm nguyên liệu cao, khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm như Ecuador, Ấn Độ.

    Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm trong 9 tháng đầu năm đạt 2,52 tỉ USD. Tình hình xuất khẩu tôm có thể tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

    Để chủ động với diễn biến thị trường, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung xây dựng mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Qua đó, hướng đến sản xuất bền vững, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tín dụng thông qua hình thức liên kết.

    Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có biện pháp quản lý, bình ổn giá vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm; quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

    Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

    Minh Mẫn

    Nguồn: Doanhnghiepvn.vn

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline