Giữa tháng 9-2021, sự kiện giới thiệu Dự án “thúc đẩy chứng nhận và thương mại thực phẩm hữu cơ giữa Úc và Việt Nam” do Mekong Organics Pty Ltd. tổ chức đã thu hút đông đảo sự theo dõi, lượng tương tác không chỉ của cộng đồng sản xuất và kinh doanh nông sản mà cả giới nghiên cứu, đào tạo về nông nghiệp.
Điều này dễ hiểu trong bối cảnh nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã là xu hướng tất yếu trên thế giới nhưng nền NNHC của Việt Nam thì chưa có nhiều sản phẩm được chứng nhận để rộng cửa hội nhập với thị trường quốc tế.
Xuất khẩu nông sản hữu cơ 335 triệu đô la Mỹ/năm
Là một nước nông nghiệp, tầm nhìn phát triển NNHC của Việt Nam khá tham vọng khi muốn “đưa Việt Nam thành một nước có trình độ sản xuất NNHC ngang bằng các nước phát triển”, như ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đã phát biểu tại sự kiện nêu trên.
Ông Toản cho biết Chính phủ đã sớm quan tâm câu chuyện phát triển NNHC với quan điểm tăng dần tỷ lệ sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trước hết vì môi trường an toàn và lợi ích của nông dân, và đa diện hơn là gắn với các mục tiêu vĩ mô khác như bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, phát triển du lịch, dịch vụ…
Trong ba năm gần đây, với việc ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP và Thông tư 16/2019/TT-BNNPTNT quy định chi tiết về NNHC, tiếp theo đó là Quyết định 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030 và Quyết định 5317/QĐ-BNN-CBTTNS nhằm triển khai Quyết định 885 ban hành hồi năm ngoái, căn cứ pháp lý cho vấn đề NNHC ở nước ta đã hình thành.
Ông Toản dẫn số liệu năm 2020 của IFOAM (Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ) cho biết cả nước có hơn 17.000 nông dân và gần 100 doanh nghiệp tại 46 tỉnh thành tham gia sản xuất hữu cơ; diện tích canh tác hữu cơ đã tăng từ 53.000 héc ta năm 2016 lên gần 240.000 héc ta vào năm 2019; và có khoảng 60 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hữu cơ đi các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… với mức kim ngạch 335 triệu đô la Mỹ/năm.
Theo ông Toản, những con số này còn rất khiêm tốn so với dư địa phát triển của lĩnh vực NNHC tại Việt Nam, mặt khác là do những đòi hỏi vô cùng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về quy trình sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ.
Trên thực tế, một số sự cản trở đối với tiến trình phát triển nền NNHC ở nước ta dưới góc nhìn của ông Alan Broughton, một chuyên gia về đào tạo NNHC, bao gồm việc chúng ta còn thiếu những khóa đào tạo, nơi sẽ trang bị cho nông dân những kiến thức về sinh thái, sinh học, khoa học về đất… cũng như những phương pháp canh tác thích hợp.
Mặt khác, tuy kho dữ liệu về NNHC trên thế giới không thiếu nhưng nông dân Việt Nam khó tiếp cận do rào cản ngôn ngữ, cộng thêm phần lớn các lực lượng như khuyến nông hay nhân sự trong các công ty phân bón, thuốc thực vật vốn được đào tạo để phục vụ cho nền sản xuất hóa học!
“Giờ đây, theo đuổi NNHC là con đường tất yếu, không có cách khác, và định hướng trong đào tạo là học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm truyền thống của nhà nông từ khắp nơi trên thế giới, kết hợp chúng với những hiểu biết, những kiến thức mới dựa trên nền tảng khoa học hữu cơ”, ông nói.
Cách tiếp cận đi từ căn bản đào tạo
Có thể thấy, việc Chính phủ Úc tài trợ nhằm thúc đẩy chứng nhận và thương mại thực phẩm hữu cơ thông qua dự án của Mekong Organics đã giúp một cách tiếp cận trong việc phát triển nền NNHC vừa mở rộng vừa căn bản. Mở rộng vì dự án hướng đến mọi đối tượng có sự quan tâm. Căn bản là bởi một trong hai hợp phần quan trọng nhất của dự án là về đào tạo – phương diện chúng ta còn thiếu như ông Broughton đã nhận xét.
Thông tin chi tiết về việc cung cấp các khóa đào tạo thuộc dự án này, TS. Nguyễn Văn Kiền, Trưởng dự án, Giám đốc Mekong Organics, cho biết nội dung đào tạo được thiết kế trong 111 giờ học trực tuyến kết hợp với 15 nghiên cứu điển hình bao phủ các chủ đề: kỹ thuật canh tác hữu cơ (bao gồm những kiến thức, kinh nghiệm canh tác NNHC đặc thù miền nhiệt đới); xu hướng thị trường; chứng nhận hữu cơ; chế biến, đóng gói; tiếp thị, kinh doanh sản phẩm hữu cơ trên bình diện quốc tế… với sự trình bày, hướng dẫn của các chuyên gia từ Úc và Việt Nam, và ông Alan Broughton là một trong những chuyên gia đào tạo chính trong dự án.
Hiện chương trình đã bắt đầu nhận đăng ký khóa đào tạo mới(*) cho các nhà nông, cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, nhân viên chính phủ, thành viên các hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp, thương nhân…
Dự án cũng xây dựng và phát triển một diễn đàn trên nền tảng web và hội thảo trực tuyến(**), nơi tập trung thúc đẩy các mối liên kết hỗ trợ giao thương thực phẩm hữu cơ, chứng nhận hữu cơ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, giao lưu công nghệ… “Diễn đàn sẽ không hoạt động độc lập mà được chia sẻ, lồng ghép vào quá trình đào tạo”, ông Kiền cho biết.
Bên cạnh đó, Mekong Organics còn tạo một kênh mở rộng hơn cũng trên nền tảng web để đáp ứng đa dạng nhu cầu giao lưu, quảng bá, hợp tác…(***).
Cơ hội từ thị trường Úc
Không phải ngẫu nhiên mà dự án này nhận được sự tài trợ của Chính phủ Úc mà nó được trao để góp phần vào sứ mệnh mở rộng sản xuất và thương mại hữu cơ giữa Úc và Việt Nam – một trong những trọng tâm của kế hoạch thực hiện Cam kết tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước (Australia – Vietnam Economic Engagement Grant – AVEG Program), theo bà Kate Chapman từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.
Bà Chapman cho biết AVEG với khoản tài trợ trị giá 1,5 triệu đô la Úc nhắm tới các mục tiêu nâng cao nhận thức công chúng về cơ hội phát triển quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước và hỗ trợ những nỗ lực phục hồi kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19 ở hai quốc gia.
Hiện AVEG tài trợ cho 28 dự án thuộc những lĩnh vực như nông nghiệp, xuất khẩu gia súc; giáo dục âm nhạc, khoa học công nghệ, kỹ thuật, toán học; chống lãng phí thực phẩm… “Từ chương trình này, Úc mong muốn hỗ trợ để các hoạt động thương mại hai chiều diễn ra một cách hiệu quả”, bà nói.
Thông điệp từ ông Tim Marshall, Chủ tịch NASAA (Tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế của Úc), hiện có nhiều cơ hội cho sản phẩm hữu cơ của Việt Nam tại thị trường Úc, nơi có nhiều và ngày càng xuất hiện nhiều hơn những sản phẩm hữu cơ, và mức tiêu thụ thực phẩm hữu cơ cũng ngày càng tăng nhưng sức sản xuất tại Úc không đủ cung cấp.
Theo ông Marshall, những sản phẩm Úc nhập khẩu nhiều nhất mà Việt Nam có thể gia tăng cung cấp như trà, cà phê, dừa, trái cây, rau củ, tôm, cá, gạo, sản phẩm ngũ cốc, gia vị… Như xoài chẳng hạn.
Xoài ở Úc được trồng theo mùa vụ nên thị trường vào những thời điểm trái mùa cần gia tăng nhập khẩu và những sản phẩm chế biến thì dễ vào thị trường này hơn là trái cây tươi do đã qua một bước xử lý an toàn sinh học trong quy trình chế biến. Hay như mặt hàng gạo cũng có tiềm năng do ở Úc thiếu nước, không phải lúc nào cũng trồng được lúa, và Việt Nam cũng có thể xem xét tới các sản phẩm chế biến từ gạo.
Vấn đề là yêu cầu chứng nhận hữu cơ ngày càng phổ biến ở Úc. Các hệ thống phân phối sỉ, lẻ, các nhà hàng hay cửa hàng ăn uống… đều yêu cầu những sản phẩm được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia của Úc hoặc của những tổ chức uy tín được chính phủ Úc công nhận.
Các nhà chế biến cũng yêu cầu các nguồn nguyên liệu được chứng nhận. Do vậy, để vào thị trường này, theo ông Marshall, tùy từng mặt hàng mà các đơn vị xuất khẩu cần tiếp cận những nhà nhập khẩu chuyên mặt hàng đó ở thị trường bản địa để xác định chính xác những thông tin, những yêu cầu cụ thể về an toàn sinh học, về chứng nhận, cũng như về công nghệ bảo quản đối với từng sản phẩm cụ thể.
Nói về chứng nhận NASAA, bà Alex Mitchell, Tổng giám đốc của NASAA Organics, cho biết chứng nhận hữu cơ của NASAA được nhiều nước trên thế giới công nhận. Đến nay, NASAA Organics đã có sự tham gia quan trọng vào mạng lưới NNHC toàn cầu với 3,1 triệu người sản xuất hữu cơ và một thị trường đã định vị và đầy hứa hẹn.
“Chúng tôi hỗ trợ nhiều tổ chức chứng nhận tại các quốc gia xây dựng các bộ tiêu chuẩn, cũng như hỗ trợ các đối tác, bao gồm Mekong Organics, trong mảng đào tạo về chứng nhận. Chúng tôi cũng sẵn lòng với các nhà sản xuất, thương mại, giúp họ đạt đủ tiêu chuẩn để được các thị trường nhập khẩu chấp nhận”, bà nói.
——————
(*) https://mekongorganics.com/training-register/
(**) https://mekongorganics.com/forum-register/
(***) https://mekongorganics.com/business-register/