Những ngày cuối năm, mạng xã hội truyền tai nhau câu hát “Mang tiền về cho mẹ” kèm hình ảnh chàng rapper (người hát nhạc rap) nổi tiếng Đen Vâu ôm chú cá siêu to khổng lồ trên tay. Đó là cá mú nghệ - một “diễn viên” hết sức hợp tác trong MV của nam rapper.
Điểm qua 5 bí mật bất ngờ về loài cá trong MV top1 trending trên youtube.
Cá mú nghệ (Epinephelus lanceolatus) còn được gọi là cá mú Queensland, cá mú vện hoặc cá vược nâu đốm. Chúng có mối quan hệ chặt chẽ và cũng là loài cá có xương lớn nhất còn tồn tại trong rạn san hô. Nơi sinh sống yêu thích của cá mú nghệ là ở trong hang động hoặc xác tàu.
Cá mú thường được bắt gặp ở các hốc đá, rạn san hô hay khu vực đá ngầm . Ảnh minh họa
Trong dòng cá mú thì cá mú nghệ có kích thước lớn nhất, tốc độ phát triển nhanh, con lớn nhất được phát hiện có chiều dài đến 2,7m, nặng hơn 600kg, cũng là loài đắt nhất trong tất cả các loại cá mú. Đây là loài cá dữ, những con trưởng thành sống đơn độc, thường phục kích để săn mồ. Thức ăn của chúng rất đa dạng, từ rùa biển non, động vật giáp xác, động vật thân mềm cho đến cá mập con… Cá mú nghệ là loài động vật ăn thịt điển hình.
Từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, từ Biển Đỏ đến vịnh Algoa, Nam Phi về phía đông đến các quần đảo Hawaii và Pitcairn (quần đảo của Anh nằm ở Nam Thái Bình Dương). Ở Tây Thái Bình Dương, cá mú nghệ phân bố từ phía bắc đến nam Nhật Bản, xuống phía Nam đến Úc.
Tại Việt Nam, cá mú nghệ nổi tiếng và ngon phải được đánh bắt từ vùng biển Cam Ranh hoặc đảo Trường Sa.
Giới khoa học có thể xác định tuổi của cá nhờ vào cách xét nghiệm phần xương tai được gọi là sỏi tai (otolith), trong đó có dấu vết của các vòng tăng trưởng giống như vòng tuổi của thân cây. Cá mú nghệ có thể sống trên 35 năm, chúng từng bị đánh bắt quá mức, cho đến năm 1990, khi luật pháp được ban hành để bảo vệ chúng trong vùng biển Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng và sinh sản chậm nên quần thể của chúng vẫn chưa được phục hồi.
Cá mú nghệ siêu to khổng lồ được đánh bắt ngoài tự nhiên. Ảnh TetonGravity
Việc nuôi cá mú nghệ đã được phổ biến, tuy nhiên vẫn còn hạn chế do nguồn cung giống cá gặp nhiều khó khăn. Hiện nay đã có một trại sản xuất giống ở Đài Loan, được xuất khẩu cá giống để nuôi thương phẩm ở các khu vực khác của Đông Nam Á.
Giống như hầu hết các loài động vật ăn thịt, cá mú nghệ là loài lưỡng tính. Các nhà khoa học cho rằng, cá mú nghệ cũng tuân theo quy luật sinh sản của hầu hết các loài cá mú khác: Bắt đầu là cá cái, sau đó chuyển thành cá đực khi đạt khối lượng khoảng hơn 100kg. Nhưng không, một nghiên cứu quốc tế do Trung tâm Nghiên cứu Di truyền của USC dẫn đầu đã phát hiện ra rằng một số cá thể sẽ trực tiếp trở thành cá đực mà không phải trải qua giai đoạn cá cái.
Theo Giáo sư Abigail Elizur- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu- phát hiện này rất bất ngờ và có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển ngành nuôi trồng cá mú khổng lồ bền vững ở Úc, Philippines và Việt Nam, đồng thời giảm áp lực lên các quần thể hoang dã còn lại. “Điều này làm cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi nhốt có nhiều con đực trở nên thực tế hơn, do đó làm tăng tính đa dạng di truyền”.
Cá mú nghệ là loại thực phẩm được đánh giá cao về dinh dưỡng, chủ yếu được dùng trong thương mại. Bên cạnh tiêu thụ thịt cá, túi mật và dạ dày của chúng còn được sử dụng trong Y học cổ truyền Trung Quốc và được yêu thích ở nhiều nước trên thế giới.
Món cá mú nghệ hấp Hồng Kông là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Ảnh hangduongquan
Nhờ vào cơ thịt trắng ngọt, dai ngon, nổi bật hơn hết thảy các loài cá mú khác nên cá mú nghệ được xếp vào loại hải sản thượng hạn ở Việt Nam. Hiện nay trên thị trường, cá mú nghệ có giá dao động từ 390 ngàn đến 430 ngàn cho loại thương phẩm 50-60kg. Giá cao là thế nhưng mặt hàng này vẫn thường xuyên “cháy” do giới sành ăn hải sản ưa chuộng và săn đón.