Khoảng 1 tuần nay, làng biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) rộn ràng hơn bởi những khoang thuyền đầy ắp cá cơm, ruốc biển (tép moi) nối đuôi nhau cập bờ.
Sau thời gian dài thuyền phải nằm bờ do ảnh hưởng của cơn bão số 5 (CONSON), gần 1 tuần nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, từ sáng sớm các đội thuyền đều ra khơi đón “lộc biển” sau bão.
Không khí tại bến thuyền ở làng biển Kỳ Ninh luôn nhộn nhịp bởi tiếng động cơ máy thuyền, tiếng nói cười của người mua, kẻ bán bởi sự bội thu của cá cơm, ruốc biển.
Cá cơm đợt này hầu hết là cá cơm duội (có nơi còn gọi là cá ruội) - thuộc loài cá cơm nhưng kích thước nhỏ, chỉ dài từ 3 - 4cm, thường được người dân sử dụng làm cá khô.
Thuyền thúng được trưng dụng làm phương tiện trung chuyển các khay cá vào trong bờ.
Khệ nệ mang từng khay cá cơm tươi rói nhập cho thương lái, anh Nguyễn Văn Nhân (bên phải, thôn Tam Hải 2) phấn khởi chia sẻ: Chuyến biển này, tàu của tôi đi biển từ 4h sáng đến 9h sáng cập bờ, được khoảng hơn 1 tấn cá cơm duội. Thương lái thu mua tươi với giá từ 15 - 20.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, tôi thu lãi hơn 10 triệu đồng/chuyến.
Theo lời của nhiều ngư dân, cả tuần nay, hầu hết các thuyền đi về đều trúng đậm cá cơm duội, ít nhất thì 5 - 6 tạ, nhiều thì 3 - 4 tấn.
Thuyền của gia đình anh Nguyễn Văn Tân (thôn Tam Hải 2) trung bình mỗi ngày ra khơi đều được 1 tấn cá cơm duội, anh Tân cho biết: Nếu phơi khô để nhập thì lợi gần gấp đôi, vì thế, những ngày qua, gia đình tôi đã dành thời gian để phơi. 1 tấn cá cơm duội gia đình đem đi phơi được gần 2 tạ cá khô, với giá bán từ 110 - 180.000 đồng/kg tuỳ loại, gia đình thu được hơn 20 triệu đồng mỗi chuyến biển.
Trên bờ, các thương lái cũng tấp nập tranh thủ mua cá tươi để kịp về phơi khô.
Cùng với cá cơm duội, những ngày qua, ngư dân vùng biển Kỳ Ninh cũng “đi te” bằng tàu công suất từ 18 - 45CV để đánh bắt ruốc biển.
Những ngư dân không có thuyền thì gắn bó với nghề trủ (cào ruốc). Những ngư dân đánh bắt ruốc bằng tàu, trung bình mỗi chuyến đánh được khoảng từ 7 yến đến 1 tạ ruốc, bữa nhiều phải 5 - 6 tạ; những người đánh bắt thủ công, mỗi buổi sẽ đánh được vài mẻ, từ 1 - 2 yến.
Dụng cụ cào ruốc bằng tay là những mảnh lưới tự chế, thường có hình chữ Y dài 3 - 4m, ở 2 đầu càng gắn một dải lưới để giữ con mồi. Khi ra biển, ngư dân chỉ việc cầm dụng cụ tiến về phía trước là ruốc biển lập tức lọt vào trong lưới.
Anh Trần Đình Phượng (thôn Tiến Thắng, Kỳ Ninh) cho hay: “Mùa này ruốc đẹp nhất, đàn ruốc đi dày đặc nên cả nhà tôi huy động hết nhân lực, tranh thủ cào rồi mang lên nhập tại bờ cho thương lái. Ruốc biển đợt này vừa được mùa, giá bán ổn định (dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg).
Trên bãi biển, nhiều hộ gia đình mang theo nhiều dụng cụ để rửa sạch ruốc biển trước khi làm mắm ruốc.
Theo các ngư dân, từ tháng 6 âm lịch năm trước đến tháng 9 âm lịch hằng năm là thời điểm rộ cá cơm duội...
... và ruốc biển.
Trong khoảng thời gian đó, trên bãi biển lúc nào cũng tấp nập mua bán. Các khay cá cơm duội, ruốc biển sẽ được vận chuyển ngay vào bờ để giữ độ tươi ngon, sau đó sẽ tiến hành công đoạn phơi sấy tự nhiên.
Ruốc biển sau khi rửa sạch sẽ được phơi chừng 5 tiếng đồng hồ, sau đó sẽ đưa vào chế biến mắm ruốc; 10 kg ruốc biển tươi sẽ được 7kg mắm ruốc.
Cá khô, ruốc biển tươi được doanh nghiệp, cơ sở chế biến trong xã thu mua hết nên ngư dân không phải lo lắng đầu ra.
Bà Đặng Thị Luận - Giám đốc HTX Thuỷ hải sản Chiến Thắng Kỳ Ninh cho biết: Trung bình mấy ngày nay, HTX thu mua 13 - 15 tấn ruốc biển/ngày; cá cơm duội khô thu mua 7 - 8 tạ cá/ngày. Đối với ruốc biển cơ sở chúng tôi đều dùng làm mắm ruốc hoặc nhập cho các cơ sở khác thiếu nguồn nguyên liệu; cá cơm duội phơi khô được nhập đi Thanh Hoá, Nghệ An....
Báo Hà Tĩnh