Nguyên tắc thay nước ao nuôi

Ngày đăng: 21/09/2021 10:33 AM

    Nguyên tắc thay nước ao nuôi

    Thay nước là một phương pháp tiết kiệm nhất để duy trì tốt chất lượng nước, đảm bảo cho tôm sinh trưởng tốt. Thay nước sẽ ngăn ngừa sự tích tụ quá mức của amoniac, hạn chế sự căng thẳng của môi trường gây ra cho tôm.

    Yêu cầu

    Để thay nước cho hiệu quả cao, quyết định thay nước cần phải dựa trên các yếu tố sau: Chất lượng nước: ammonia, H2S, hàm lượng ôxy hòa tan, CO2, nhiệt độ…; môi trường sống (không bao gồm chất lượng nước): màu nước, nền đáy, độ sâu…; yếu tố sinh vật: hệ tảo và vi sinh… Thông thường thay nước sẽ dựa trên chỉ tiêu nào quan trọng nhất cần thay để duy trì ngưỡng thích hợp cho tôm. Vì vậy, người nuôi phải tính toán cân bằng của các chỉ tiêu chất lượng nước sao cho thích hợp.

    Việc cấp hay thay nước không theo chế độ nhất định, có thể không thay nước mới. Mục đích của thay nước nhằm tăng cường độ trong của nước ao nuôi, cung cấp hàm lượng muối, dinh dưỡng tảo phát triển, tăng hàm lượng ôxy, góp phần điều chỉnh pH, giảm chất độc H2S, NH3phân hủy do thức ăn tôm dư thừa, kích thích tôm lột xác. Mặc dù thay nước có lợi nhưng có thể làm tăng nguy cơ xâm nhập của các sinh vật khác vào hệ thống nuôi; vì vậy nước được thay vào ao phải qua xử lý trước. Cụ thể, nguồn nước cấp phải lấy từ ao chứa đã được xử lý và phải lọc qua lưới mắt nhỏ. Lấy nước vào ao lắng rồi xử lý Chlorine liều 30 kg/1.000 m3chạy quạt liên tục, đến khi hết dư lượng Chlorine thì tiến hành bơm vào ao nuôi (qua túi lọc). Lưu ý, trước khi thay, cần kiểm tra hàng ngày đối với các chỉ tiêu: ôxy hòa tan (DO), pH, độ mặn, độ trong, nhiệt độ. Kiểm tra 3 – 5 ngày/lần đối với các chỉ tiêu: độ kiềm, NH3,H2S bảo đảm giá trị của các thông số quy định ở các ao nuôi. Nên thay nước từ từ và thực hiện nhiều lần để tránh gây sốc cho tôm.

     

    Nguyên lý thay

    Chỉ thay nước khi cần điều chỉnh các yếu tố môi trường và đáy ao hoặc cấp nước bổ sung khi nước trong ao bị cạn. Nên tránh thay nước trước 30 – 40 ngày nuôi để chất lượng nước ổn định và tốt hơn, chỉ cấp thêm từ 10 – 20% nước từ nguồn nước dự trữ ở ao chứa nhằm ổn định môi trường. Lượng nước thay đổi hàng ngày được khuyến khích là 10 – 30%. Tỷ lệ này sẽ tăng trong suốt chu kỳ nuôi khi số lượng thức ăn cho tôm tăng. Đặc biệt khi hàm lượng amoniac tăng đột biến, nên tăng tỷ lệ trao trao đổi nước, tăng quạt nước để giảm nồng độ amoniac xuống mức an toàn.

    Sau 2 tháng thả nuôi, định kỳ thay nước tầng đáy, thường xuyên kiểm tra bùn đáy tại khu vực cho tôm ăn. Nếu bùn đáy ao có màu nâu hoặc có một lớp mỏng màu nâu trên bề mặt là đáy có chất lượng tốt. Nếu nước ao có màu đen, nhiều tảo đáy thì dùng các biện pháp (trừ sử dụng hóa chất) để loại bỏ tảo đáy, kết hợp thay 15 – 20% lượng nước và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Nếu bùn đáy có màu đen, sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy chất hữu cơ, giảm lượng thức ăn (10%) trong 2 ngày, thay 15 – 20% lượng nước, kết hợp với dùng bơm để hút bùn đen ở đáy đồng thời quạt nước, sục khí để tăng cường ôxy.

    Khi tảo trong ao phát triển mạnh, màu nước thay đổi, pH dao động trong ngày > 0,5 thì cần thay tối thiểu 30% lượng nước trong ao bằng nguồn nước đảm bảo chất lượng.

    Khi màu nước trong ao đục do đất sét (thường sau mưa to) do đất sét trên bờ chảy xuống kéo theo pH giảm. Khắc phục hiện tượng trên dùng vôi dolomite xử lý, với lượng 5 – 7 kg/1.000 m2hòa loãng tạt mặt ao và bờ ao, nếu có điều kiện thay 10 – 15% nước trong ao.

    Độ trong là biểu hiện của chất lượng màu nước. Khi độ trong thấp 20 – 25 cm màu nước xanh đậm đặc do tảo lam phát triển mạnh thì nên thay một ít nước trong ao nuôi (10 – 20%) và bón vôi đen, liều 7 – 10 kg/1.000 m3nước vào buổi sáng. Nếu độ trong lớn hơn 50 cm nước thì cần thay 10 – 15% lượng nước trong ao để bổ sung hàm lượng muối, dinh dưỡng cho tảo phát triển, sau đó tiến hành bón phân cho ao.

    Thái Thuận

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline