Có thể thấy, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi từ đầu năm đến nay tuy chưa phải là lớn và lây lan trên diện rộng, nhưng cũng tác động không nhỏ đến năng suất và lợi nhuận của người nuôi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của người viết, ngoại trừ một số vùng, khu vực nuôi bị nhiễm bệnh dẫn đến giảm năng suất do thu hoạch tôm kích cỡ nhỏ hay thiệt hại hoàn toàn, phần lớn đều cho rằng, năm nay nuôi rất dễ đạt năng suất, nhờ tôm lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, nhưng người nuôi vẫn không có lời hoặc thậm chí thua lỗ chủ yếu là do giá tôm xuống dưới mức giá thành.
Các doanh nghiệp sản xuất con giống tăng cường kiểm tra, quản lý an toàn dịch bệnh, đảm bảo cung ứng nguồn giống khỏe mạnh và sạch bệnh. Ảnh: TÍCH CHU
Hiện các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long đang bước vào cao điểm mùa mưa bão, nên việc quản lý, chăm sóc ao tôm luôn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể, một số mầm bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, phân trắng và nhất là nguồn bệnh từ EHP vẫn còn lưu hành tại hầu hết các vùng nuôi, khiến cho vụ tôm nghịch sẽ càng thêm khó. Đây là điều đáng lo bởi giá tôm gần đây bắt đầu tăng lên, đảm bảo được mức lợi nhuận cho người nuôi, nên một số hộ nuôi cũng đang rục rịch tìm vốn để thả giống. Đáng lo bởi hiện tại, hầu hết các nguồn cung cấp nước cho vùng nuôi đã không còn độ mặn, nên ngoài số hộ có nước trữ lại từ vụ nuôi trước thì những hộ còn lại phần lớn là sử dụng nước ngầm. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, người nuôi không nên sử dụng nước ngầm để nuôi tôm vì nguồn nước này thường chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tôm nuôi.
Trong thập kỷ qua, ngành tôm đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một số bệnh mới xuất hiện và tái xuất hiện. Một trong những bệnh chính đó là AHPND còn được gọi là hội chứng tôm chết sớm (EMS), là một bệnh do vi khuẩn gây ra. Bệnh này đã dẫn đến tỷ lệ tôm chết nghiêm trọng (lên đến 100%) trong quần thể tôm thẻ chân trắng và tôm sú và gây những tổn thất kinh tế đáng kể cho ngành nuôi tôm. Sau khi bệnh EMS lắng dịu, người nuôi tôm tiếp tục đương đầu với bệnh phân trắng và bệnh do EHP mà cho đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng trị nào được xem là hữu hiệu nhất. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, bệnh do EHP gây ra tuy âm thầm nhưng rộng khắp, trở thành mối lo thường trực đối với người nuôi tôm, kể cả những người nuôi ứng dụng công nghệ cao cũng trở thành nạn nhân của EHP.
Chưa hết lo vì dịch bệnh do EHP, sáng ngày 13/9, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta lại cho biết một thông tin đáng lo khác: “Mới đây, tôi có nghe thông tin xuất hiện thêm 1 con vi khuẩn mới gây bệnh trên tôm post còn nguy hiểm gấp cả ngàn lần con gây bệnh EMS nữa”. Để kiểm chứng thêm thông tin trên, ông Lực liên hệ ngay với ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận và được xác nhận là có thật và loại vi khuẩn mới này hiện chưa có giải pháp phòng trị hiệu quả, khiến các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đang mất ăn, mất ngủ. Khi nghe thông tin trên, ông Lực khá lo lắng vì nếu không may, bệnh này bùng phát tại các trại sản xuất tôm giống sẽ gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn giống cung ứng cho các vùng nuôi.
Theo tìm hiểu của người viết, cuối năm 2019, các trại sản xuất tôm giống ở Trung Quốc phát hiện một loại bệnh mới thường xảy ra trong giai đoạn hậu ấu trùng PL 6-12 ngày tuổi. Bệnh mới này được các nhà khoa học Trung Quốc gọi là “translucent post-larvae disease” bệnh hậu ấu trùng trong suốt (TPD) hoặc “glass post-larvae disease” bệnh hậu ấu trùng thủy tinh (GPD). Bệnh TPD này ảnh hưởng đến tôm thẻ chân trắng giai đoạn hậu ấu trùng 6 – 12 ngày tuổi với tỷ lệ chết hơn 90% trong vòng 24 – 48 giờ sau khi có dấu hiệu đầu tiên của các cá thể bất thường. Các dấu hiệu lâm sàng tổng thể điển hình bao gồm đường ruột rỗng không có thức ăn và gan tụy nhợt nhạt hoặc không màu làm cơ thể tôm bị bệnh nhìn trong suốt như thủy tinh, nên còn được gọi là bệnh hậu ấu trùng thủy tinh.
Để chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan và hạn chế được dịch bệnh để bảo vệ đàn tôm trên đồng hiện còn hơn 14.000ha, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo người nuôi nên tăng cường các biện pháp về: quan tâm chất lượng con giống, quản lý môi trường ao nuôi, thức ăn, dịch bệnh… Theo đó, người nuôi cần tăng cường đo đạc các yếu tố môi trường, theo dõi màu nước trong ao nuôi thường xuyên trước và sau khi mưa và điều chỉnh các yếu tố môi trường sao cho ổn định và tối ưu cho tôm nuôi trong giai đoạn này. Hy vọng, các nhà khoa học sẽ sớm tìm ra giải pháp phòng trị hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm trên để người nuôi tôm an tâm chăm sóc tôm nuôi cuối vụ cũng như chuẩn bị cho mùa vụ nuôi mới năm 2024.
MINH MẪN
Nguồn: Baosoctrang.org.vn