Phòng ngừa rủi ro, dịch bệnh thủy sản nuôi trong mùa mưa bão

Ngày đăng: 01/11/2023 09:53 AM

    Bước vào mùa mưa bão với tình hình thời tiết diễn biến khó lường, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi thủy sản không nên chủ quan; tích cực phòng ngừa rủi ro, dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

    Gia đình anh Nguyễn Quốc Luật ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) hiện có 8 ô lồng nuôi hơn 2.000 con cá điêu hồng, trê, chép trên hồ Định Bình, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Anh Luật cho biết: Tôi đã xuất bán hơn 7 tạ cá thương phẩm và thả nuôi gối đầu, giảm mật độ nuôi từ 200 con giống/ô còn 150 con giống; điều chỉnh lượng thức ăn, bổ sung thêm vitamin C, các loại khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cá. Khi có gió bão thì đưa lồng bè vào gần bờ để nuôi an toàn hơn.

    Với những người làm nghề nuôi cá bằng lồng bè ở vùng đầm Đề Gi và Thị Nại, điều lo ngại nhất là khi mùa mưa đến, lượng nước ngọt từ thượng nguồn đổ xuống nhiều, đột ngột sẽ làm thay đổi độ mặn, gây dịch bệnh đối với thủy sản nuôi, nên bà con đã chủ động triển khai các giải pháp thích hợp để hạn chế thiệt hại.

    Ông Nguyễn Thái Dương, ở thôn Vĩnh Lợi 3, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), cho biết: Tôi có 8 ô lồng nuôi khoảng 4.000 con các loại cá bớp, mú, bè… Năm nào cũng vậy, trước mùa mưa bão là tôi xuất bán bớt số cá đạt trọng lượng từ 0,5 – 1 kg/con. Số cá nhỏ còn lại, tôi sang đều ra các ô với mật độ thưa hơn để nuôi; đồng thời, hạ độ sâu của lồng, thường xuyên kiểm tra, tắm cá để ngừa dịch bệnh”.

    Người nuôi tôm chủ động thực hiện giải pháp bảo vệ tôm nuôi. Ảnh: NGỌC NHUẬN

    Sau khi thu hoạch tôm nuôi vụ 2, đầu tháng 9.2023, ông Phạm Tấn Hương ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) tu bổ 6 ao nuôi diện tích 5.500 m2 và thả nuôi hơn 1,1 triệu con tôm thẻ chân trắng. Ông Hương cho biết: Nuôi tôm ở thời điểm này phải chú trọng theo dõi thời tiết, nhất là mưa nhiều thì nhiệt độ, độ pH trong ao nuôi thay đổi đột ngột, tôm dễ mắc bệnh nên khâu đầu tiên khi cải tạo ao là phải gia cố bờ ao chắc chắn. Ở khâu chăm sóc tôm thì chú trọng chạy máy sục khí đảm bảo ô xy ao nuôi, thức ăn cho tôm phải kèm thêm chất dinh dưỡng, khoáng chất để tôm tăng sức đề kháng.

    Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), tính đến tháng 10.2023, tổng diện tích nuôi thủy sản cả tỉnh khoảng 4.544 ha, tăng 15,4% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt khoảng 2.260 ha, còn lại là diện tích nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ, các loại thủy sản khác. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 11.551 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

    Ngay từ đầu mùa mưa bão, ngành chức năng và các địa phương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng con giống thủy sản; tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thủy sản phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi thủy sản. Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, để giảm thiểu tổn thất về cơ sở vật chất và sản phẩm nuôi thủy sản trong mùa mưa bão năm 2023, Chi cục đã gửi thông báo đến phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố đề nghị phối hợp hướng dẫn chuyên môn, khuyến cáo người nuôi thủy sản chủ động theo dõi thời tiết, áp dụng biện pháp phòng bệnh cho thủy sản nuôi khi thời tiết thay đổi bất thường, nhằm giảm thiểu thiệt hại.

    Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cũng đã cấp hơn 29 tấn chlorine hỗ trợ người dân xử lý ao, hồ nuôi thủy sản, ngăn ngừa dịch bệnh. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thông tin thêm: Mùa mưa, các vùng nuôi thủy sản rất dễ biến động thông số môi trường, do vậy tôm, cá nuôi giảm sức đề kháng dễ nhiễm bệnh. Chúng tôi khuyến cáo người nuôi thủy sản tăng cường gia cố lồng, bè, ao nuôi, thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; đặc biệt, chú ý bổ sung men tiêu hóa, khoáng chất, vi sinh… để đảm bảo sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

    Nguồn: Baobinhdinh.vn

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline