Quản lý chặt vùng nuôi tôm, ngừa dịch bệnh

Ngày đăng: 18/02/2021 09:52 AM

    Quản lý chặt vùng nuôi tôm, ngừa dịch bệnh

    nuôi tôm
    Người nuôi tôm ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn) chăm sóc tôm nuôi vụ 1 năm 2021.

    Dự kiến năm 2021, toàn tỉnh thả nuôi tôm trên diện tích 2.107 ha. Sở NN&PTNT đã ban hành lịch thời vụ nuôi, chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tăng cường quản lý vùng nuôi, chất lượng con giống, phối hợp các địa phương hướng dẫn người nuôi phòng ngừa dịch bệnh tôm.

    Hiện, một số vùng nuôi tôm trên cát, vùng cao triều, người nuôi tôm đã và đang chuẩn bị điều kiện để thả giống nuôi vụ 1 năm 2021 theo lịch thời vụ ngành Nông nghiệp ban hành. Cụ thể, vùng nuôi tôm trên cát theo hình thức thâm canh tại huyện Phù Cát, Phù Mỹ thả nuôi vụ 1 từ tháng 2 - 4; vùng nuôi tôm tại đầm phá, cửa sông, những nơi có hạ tầng tương đối như vùng phía Nam TX Hoài Nhơn thả nuôi vụ 1 từ tháng 2 đến giữa tháng 5; vùng nuôi tôm khác của TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ thả nuôi vụ 1 từ tháng 3 - 5.

    Ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: “Theo kế hoạch, toàn huyện thả nuôi tôm vụ 1 với diện tích 971 ha. Chúng tôi phối hợp các địa phương kiểm tra vùng nuôi, hướng dẫn người nuôi cải tạo ao, hồ, thả nuôi theo lịch thời vụ. Đặc biệt, khuyến cáo thả tôm nuôi với mật độ thưa từ 30 - 40 con/m2, nuôi xen canh tôm, cua, cá để hạn chế dịch bệnh”.

    Vùng nuôi tôm trên cát tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn) có 25 hộ nuôi hơn 40 ha. Ông Nguyễn Văn Nghiệm, Bí thư Chi bộ thôn Lộ Diêu, cũng là người nuôi tôm tại đây, cho biết vùng cao triều, cơ sở hạ tầng tốt nên bà con thả tôm nuôi quanh năm, sản lượng thu hoạch bình quân 10 - 12 tấn/ha/vụ.

    Còn ông  Trương Văn, cũng ở thôn Lộ Diêu, cho hay, sau khi cải tạo ao từ đầu tháng Chạp âm lịch, ông tiến hành xử lý nước trong 2 ao nuôi diện tích 1.500 m2 và thả nuôi ương 500 nghìn tôm thẻ chân trắng. “Tôi mới thả tôm nuôi được 5 ngày. Sau khi nuôi ương khoảng 30 ngày, sẽ sang tôm qua 2 ao để nuôi theo mật độ thích hợp, nhằm mang lại hiệu quả. Năm nay, thời tiết lạnh hơn mọi năm nên phải tăng lượng can xi, bổ sung chất khoáng, vitamin C trong thức ăn tăng sức đề kháng cho tôm”, ông Văn chia sẻ.

    Anh Đặng Văn Toàn, người nuôi tôm ở thôn Xuân Bình Nam, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), cho biết: “3 ao nuôi tôm trải bạt, diện tích 800 m2/ao đang nuôi 30.000 con giống tôm thẻ chân trắng vụ phụ năm 2020, sau Tết tôi sẽ thu hoạch và tiến hành cải tạo ao, nâng đáy lót bạt và xử lý nước thả nuôi vụ 1 năm 2021 vào đầu tháng 3 theo hướng dẫn ngành chức năng”.

    Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản (Chi cục Thủy sản), vùng nuôi tại đầm phá, cửa sông có hạ tầng kém, không đảm bảo hiện chưa có hộ nào thả tôm, các hộ nuôi đang thực hiện gia cố, nạo vét, vệ sinh cải tạo ao, đìa để chuẩn bị thả giống nuôi vụ 1. Cùng với việc tăng cường quản lý vùng nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền người nuôi tôm tuân thủ theo lịch thời vụ, Chi cục tiến hành các đợt quan trắc, kiểm tra thông số nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm… tại các vùng nuôi để giúp người dân kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh tôm trong vụ nuôi mới.

    Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y, cho biết cũng đã phân bổ 57,2 tấn hóa chất sát trùng để các địa phương cấp cho người nuôi tôm xử lý môi trường vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh. Đồng thời, Chi cục tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống đảm bảo đầu vào đạt chất lượng, nguồn gốc rõ ràng; phân công cán bộ đến từng địa bàn để hướng dẫn người nuôi tôm cải tạo ao, hồ, lấy mẫu tôm giống xét nghiệm dịch bệnh.

    nguồn: Báo Bình Định

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline