Tinh dầu húng quế có khả năng tăng sức đề kháng chống lại vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trên tôm he Ấn Độ.
Trong số các loài tôm tiềm năng, tôm he Ấn Độ (Fenneropenaeus indicus) là loài rất được ưa chuộng để nuôi ở nhiều nước vì nó là loài thích hợp nuôi trong các ao nước lợ có biến động độ mặn lớn.
Việc nuôi tôm he Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ chết hàng loạt do bệnh Vibriosis. Trong đó Vibrio parahaemolyticus là vi khuẩn đe dọa chính, gây ra bệnh hoại tử gan tụy cấp tính với tỷ lệ chết cao và thiệt hại nghiêm trọng. Các chiết xuất thảo dược làm phụ gia thức ăn hứa hẹn là nguồn trị liệu thân thiện với môi trường để tăng cường khả năng miễn dịch bẩm sinh và ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh trên động vật thủy sản.
Do đó, nghiên cứu này đánh giá việc sử dụng tinh dầu húng quế như một phụ gia thức ăn để tăng khả năng miễn dịch và sức đề kháng của tôm Ấn Độ chống nhiễm V. parahaemolyticus.
Húng quế (Ocimum basilicum L.), là một trong những loại cây được trồng ở nhiều quốc gia và được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm cũng như trong các ngành công nghiệp nước hoa và y tế. Nó là nguồn tinh dầu có chứa các thành phần hoạt tính sinh học, có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn. Dầu húng quế được bổ sung vào chế độ ăn của tôm he Ấn Độ ở các mức 0; 1,0; 2,5 và 5,0 g/kg thức ăn.
Húng quế là loại cây phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: WikimediaImages.
Lợi ích chính của việc sử dụng chiết xuất thảo dược làm nguồn chống oxy hóa tự nhiên là tăng cường sự phát triển và tình trạng sức khỏe của các sinh vật dưới nước thông qua cải thiện các chức năng sinh lý và điều chỉnh hệ thống miễn dịch bẩm sinh.
Trong nghiên cứu này, tôm he Ấn Độ được bổ sung tinh dầu húng quế thì khả năng tăng trưởng và sử dụng thức ăn tốt hơn so với nhóm đối chứng, đặc biệt là sự tăng trưởng ở nhóm bổ sung 2,5 và 5,0 g tinh dầu húng quế/kg thức ăn.
Những kết quả này có thể là do các hợp chất hoạt tính sinh học của tinh dầu húng quế như linalool, estragole, methyl cinnamate, eucalyptol, α-bergamotene, eugenol, γ-cadinene và germacrene D. Các hợp chất hoạt tính sinh học này giúp tăng cường sự phát triển của tôm Ấn Độ thông qua việc cải thiện độ ngon của thức ăn hoặc tăng cường tiết các enzym tiêu hóa.
Kiểm tra sinh hóa là một công cụ quan trọng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và khả năng thích nghi của cá với môi trường bên ngoài. Các kết quả hiện tại cho thấy giá trị TP, ALB và GLO tăng lên đáng kể khi mức bổ sung tinh dầu húng quế tăng lên, giá trị cao nhất được ghi nhận ở nhóm bổ sung 2,5 và 5,0g tinh dầu húng quế/kg. Mức độ tăng lên có thể là do sự tăng cường của phản ứng miễn dịch không đặc hiệu.
Mặt khác, việc sử dụng tinh dầu húng quế trong khẩu phần ăn cho tôm Ấn Độ đã làm giảm đáng kể các hoạt động AST và ALT trong huyết thanh cũng như mức độ creatinine và urê so với nhóm đối chứng. Những phát hiện này cho thấy tinh dầu húng quế có tác dụng bảo vệ gan và thận.
tinh dầu húng quế có tác dụng bảo vệ gan tôm he Ấn Độ. Ảnh: Tôm he Ấn Độ.
Các hoạt động trao đổi chất ở động vật tạo ra một số phản ứng oxy hóa (ROS), có thể dẫn đến stress oxy hóa. SOD, CAT và GPx là những enzym quan trọng tham gia vào cơ chế giảm bớt căng thẳng oxy hóa ở cá. Các enzym này duy trì cân bằng nội môi oxy hóa khử và cải thiện sự mất cân bằng ROS trong các hệ thống sinh học. Hoạt động của các enzym SOD, CAT và GPx trong nghiên cứu này đã tăng cao, trong khi mức MDA và NO thấp hơn đáng kể ở nhóm được bổ sung tinh dầu húng quế.
Kết quả này cho thấy tinh dầu húng quế có hoạt tính chống oxy hóa do hàm lượng các hợp chất phenolic cao, có thể chịu trách nhiệm cho hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ được quan sát thấy. Mohammed et al. (2020) phát hiện ra rằng dầu O. basilicum chủ yếu bao gồm methyl chavicol (51,9%) và linalool (20,0%) cho thấy tổng hoạt tính chống oxy hóa và khả năng khử ion cao.
Trong nghiên cứu này, TVC (tổng Vibrio) trong mang và mô ruột của tôm he Ấn Độ được bổ sung tinh dầu húng quế thấp hơn so với nhóm đối chứng. Điều này có thể là do tác dụng kích thích miễn dịch của tinh dầu húng quế bằng cách tăng cường hoạt động kháng khuẩn. Nghiên cứu này cho thấy chế độ ăn giàu tinh dầu húng quế có khả năng chống lại sự lây nhiễm V. parahaemolyticus cao hơn, đặc biệt là ở nghiệm thức bổ sung 2,5 và 5,0 g/kg.
Trong nghiên cứu này 66,7% số tôm trong nhóm đối chứng đã chết. Tôm chết có biểu hiện cơ hoại tử, đây là biểu hiện điển hình của các triệu chứng do vi khuẩn Vibrio gây ra. Sức đề kháng của tôm đối với V. parahaemolyticus tăng lên khi bổ sung tinh dầu húng quế cho thấy rằng tinh dầu húng quế có thể kích thích các phản ứng miễn dịch của tôm chống lại các bệnh nhiễm trùng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chất chiết xuất từ lá húng quế có đặc tính chống oxy hóa mạnh, chất kích thích miễn dịch, kháng virus và kháng khuẩn.
Hoạt động LYZ trong huyết thanh là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất đánh giá các phản ứng miễn dịch gây ra bởi các chất kích thích miễn dịch khác nhau (Magnadóttir, 2006; Saurabh & Sahoo, 2008).
Bên cạnh đó, PO một loại enzym quan trọng của hệ thống proPO ở động vật không xương sống, thúc đẩy cơ chế loại bỏ mầm bệnh để bảo vệ cơ thể. Nghiên cứu này cho thấy việc bổ sung tinh dầu húng quế trong chế độ ăn của tôm Ấn Độ đã tăng cường đáng kể hoạt động LYZ và PO so với nhóm đối chứng.
Tinh dầu húng quế kích thích miễn dịch trên tôm. Ảnh: alrightnow.
Những kết quả này có thể là do tinh dầu húng quế rất giàu hợp chất phenolic, có thể kích thích phản ứng miễn dịch tế bào ở tôm he Ấn Độ.
Tinh dầu húng quế có khả năng hoạt động như một chất kích thích miễn dịch cho tôm thẻ Ấn Độ, do đó cải thiện tốc độ tăng trưởng, phản ứng miễn dịch và khả năng chống lại sự lây nhiễm vi khuẩn có thể xảy ra.
Việc bổ sung tinh dầu húng quế cho tôm he Ấn Độ với mức 2,5 hay 5,0 g tinh dầu húng quế/kg cho thấy sự tăng trưởng được cải thiện và tăng cường khả năng chống V. parahaemolyticus.
References: Mohsen Abdel‐Tawwab, Ahmed M. El‐Ashram, Al‐Azab Tahoun, et al (2021). Effects of dietary sweet basil (Ocimum basilicum) oil on the performance, antioxidants and immunity welfare, and resistance of Indian shrimp (Penaeus indicus) against Vibrio parahaemolyticus infection, Aquaculture Nutrition, https://doi.org/10.1111/anu.13265