TIẾT KIỆM ĐIỆN TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Những năm gần đây, tình hình nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, tập trung chủ yếu tại các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Để giảm áp lực về cung cấp điện thông qua giảm sản lượng điện tiêu thụ, Công ty Điện lực Bến Tre phối hợp với Sở Công Thương vừa tổ chức hội thảo tiết kiệm điện trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
3 giải pháp tiết kiệm điện
Theo báo cáo tại hội thảo, năm 2018, diện tích thả nuôi toàn tỉnh đạt 24.647ha, sản lượng điện tiêu thụ khoảng 176 triệu kWh, chiếm trên 12,3% sản lượng điện thương phẩm… Để giúp khách hàng tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, Công ty Điện lực Bến Tre đã xây dựng “Cẩm nang sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong nuôi tôm” và tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận các hộ nuôi.
Ngành điện đã đề ra 3 giải pháp để khuyến cáo người nuôi tôm áp dụng:
Thứ nhất, xử lý trục truyền động của động cơ cho đồng trục với trục quay của hệ thống quạt. Giải pháp này giúp tăng hiệu suất của động cơ, giúp động cơ hoạt động với công suất tăng hơn 30% do giảm được gánh nặng về vận hành không đồng trục, hệ thống quạt lá chuyển động mượt hơn giúp cung cấp đủ lượng oxy cho tôm; đồng thời, tiết kiệm được khoảng 8% lượng điện năng tiêu thụ.
Thứ hai, thay thế ổ trục bằng con lăn, bởi cánh quạt nuôi tôm trước đây được cố định trên các thanh cọc gỗ bằng các tấm bố nhựa, các thiết bị này tạo ra ma sát rất lớn trong lúc chạy quạt, ma sát tăng làm nhiệt độ động cơ tăng theo, gây ra tổn thất làm tăng trở kháng trong động cơ. Do đó đòi hỏi phải sử dụng motor hoặc máy nổ công suất lớn dẫn đến chi phí điện cao.
Sau khi sử dụng con lăn cho cánh quạt nuôi tôm, toàn bộ dàn quạt nước sẽ hoạt động nhẹ nhàng hơn bởi ma sát giảm đến 90%. Từ động cơ motor 5HP (mã lực), chỉ cần sử dụng 3HP sau khi lắp thêm con lăn cho dàn quạt, từ 3HP giảm xuống 2HP. Thực hiện các giải pháp này, các hộ nuôi tôm sẽ tiết kiệm được 10% lượng điện năng tiêu thụ, đồng thời tuyệt đối an toàn và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Thứ ba, thay bộ phận truyền động dùng dây curoa bằng hộp số giảm tốc, biện pháp này theo các chuyên gia cũng có hiệu quả giảm điện năng tiêu thụ nhưng do chi phí tương đối lớn, tỷ lệ điện năng tiết kiệm được cũng chưa có biện pháp kiểm chứng, thử nghiệm rõ ràng nên giải pháp này cần có thời gian để nghiên cứu thêm.
Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo
Thời gian qua, Sóc Trăng là tỉnh được Tổng công ty Điện lực Miền Nam triển khai Đề án thí điểm tiết kiệm điện trong nuôi tôm. Việc triển khai đề án này tại Sóc Trăng đã đạt rất nhiều kết quả quan trọng. Theo chia sẻ của Điện lực Sóc Trăng, thực hiện đồng thời hai giải pháp trên có thể tiết kiệm đến 38,7% điện năng tiêu thụ.
Theo ông Phạm Thanh Trúc - Giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre, bên cạnh sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương khuyến khích triển khai mô hình phát triển năng lượng tái tạo tại các vùng nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác tối đa tiềm năng từ diện tích đất, gia tăng tỷ suất lợi nhuận trên đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, người nuôi tôm vẫn chưa mạnh dạn đầu tư sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, nguyên nhân là do giá thành còn cao, người nuôi tôm chưa nắm được hiệu quả các giải pháp mang lại. Bên cạnh đó, chưa có chính sách hỗ trợ hợp lý về vốn đầu tư đối với các hộ nông dân còn khó khăn ban đầu, các giải pháp tuyên truyền quảng bá về tiết kiệm năng lượng chưa phát huy hiệu quả cao…
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Niệm - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tới đây, sở sẽ phối hợp với Công ty Điện lực Bến Tre triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng sạch để tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Phía Công ty Điện lực Bến Tre cho biết, trước mắt, sẽ thực hiện tuyên truyền, giới thiệu về kỹ thuật, hiệu quả của giải pháp này thông qua mô hình giả lập tại các Điện lực Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú hoặc tại trụ sở các hiệp hội nuôi tôm để người dân có thể tham quan, học hỏi và áp dụng vào thực tiễn.