Sản xuất tôm giống khỏe từ tôm mẹ không cắt mắt
Cắt bỏ cuống mắt là phương pháp truyền thống để kích thích quá trình lột xác, tăng khả năng chín muồi sinh dục và đẩy nhanh quá trình đẻ trứng. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ không hiệu quả kinh tế nếu thế hệ tôm con bị giảm khả năng đề kháng nhiều dịch bệnh.
Cắt bỏ cuống mắt tôm cái là một trong những phương pháp truyền thống được sử dụng ở hầu hết các trại giống trên thế giới để kích thích tôm lột xác và đẻ trứng. Tuy nhiên, phương pháp này ngày càng bị chỉ trích bởi tác động tiêu cực tới phúc lợi động vật; các điều kiện của tôm bố mẹ (tình trạng dinh dưỡng và sinh lý) và chất lượng của tôm con (ví dụ ấu trùng).
Tôm con được sinh ra từ tôm mẹ không cắt mắt và cắt mắt không khác biệt về hiệu suất tăng trưởng và tỷ lệ sống, nhưng khả năng chịu stress (ví dụ tỷ lệ sống sau các thử nghiệm sốc độ mặn của chúng) lại được cải thiện hơn hẳn.
Do đó, các chuyên gia nghiên cứu tại Viện NTTS thuộc Đại học Stirling, Anh và công ty SyAqua Siam, Thái Lan đã tiến hành đánh giá đề kháng của tôm ấu trùng và tôm giống được sản xuất từ tôm mẹ cắt mắt và không cắt mắt sau thử thách dịch bệnh.
Xây dựng thí nghiệm
Lô ấu trùng TTCT thử nghiệm được chia thành 2 nửa. Một nửa gồm 150 con có nguồn gốc từ tôm mẹ cắt cuống mắt và nửa còn lại từ tôm mẹ không cắt mắt, được sản xuất tại trại giống Sichon của hãng SyAqua Siam và vận chuyển đến trung tâm nghiên cứu và phát triển Benchmark’s R&D, Thái Lan để thử nghiệm.
Trước thử nghiệm, tôm được sàng lọc để kiểm tra 7 dịch bệnh thường gặp gồm vi bào tử trùng (EHP), đốm trắng (WSSV), hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHVN), hoại tử cơ (IMNV), hội chứng virus Taura (TSV) và đầu vàng (YHV). Cả 2 nhóm ấu trùng tôm này đều được đảm bảo sạch bệnh.
Ở thử nghiệm gây nhiễm AHPND, các nhóm ấu trùng tôm (trọng lượng trung bình 14 mg) từ mỗi nhóm tôm cắt mắt và không cắt mắt được nuôi trong các bể 20 l duy trì độ mặn 15 ppt và 29,05±0,13°C. Tôm được gây nhiễm 2,0×108 CFU/mL virus AHPND phân lập. Nhóm tôm đối chứng không gây nhiễm virus AHPND. Tỷ lệ chết của tôm được kiểm tra 3 giờ/lần suốt giai đoạn thử thách dịch bệnh kéo dài 96 giờ.
Thử nghiệm gây nhiễm WSSV thực hiện trên tôm giống từ tôm mẹ cắt mắt và không cắt mắt (trọng lượng trung bình 1,42±0,07g). Tôm này được nuôi riêng biệt trong các bể 1 l với độ mặn và nhiệt độ nước duy trì lần lượt 15 ppt và 26,33±0,73°C. Gây nhiễm dịch bệnh qua đường miệng (trung bình 2,02×109 CFU/mL WSSV trên mỗi khẩu phần). Nhóm đối chứng ăn thức ăn thông thường. Theo dõi tôm 3 giờ/lần để loại bỏ xác tôm chết hoặc sắp chết suốt 162 giờ sau thử thách dịch bệnh.
Kết quả và thảo luận
Ấu trùng tôm từ tôm mẹ cắt mắt khi gây nhiễm virus AHPND có tỷ lệ sống thấp hơn hẳn (38,8%) so với nhóm ấu trùng của tôm mẹ không cắt mắt (70,4%). Tôm giống từ tôm mẹ không cắt mắt cũng có tỷ lệ sống cao hơn, nhưng không đáng kể (p>0,05) ở mức 62% so nhóm tôm giống từ tôm mẹ cắt mắt là 48% khi được thử thách với dịch bệnh đốm trắng.
Điều kiện của tôm bố mẹ là yếu tố cần thiết để sản xuất được thế hệ tôm con chất lượng tốt. Các điều kiện cơ bản này gồm dinh dưỡng và sinh lý. Về lý thuyết, tôm mẹ không cắt mắt có điều kiện tổng thể tốt hơn những tôm cắt mắt do tôm cắt mắt bị chấn thương vật lý và sốc, mất cân bằng sinh lý và bất hoạt/giảm các gen liên quan đến miễn dịch do hậu quả của cắt mắt. Điều này sẽ tác động lên chất lượng thế hệ tôm con. Cắt một bên cuống mắt cũng được thực hiện trong nuôi nhiều thập kỷ qua để tăng. Nhưng phương pháp cắt mắt nào cũng hứng chịu chỉ trích khắt khe từ phía người tiêu dùng và kênh bán lẻ và mất nhiều cơ hội tiếp cận thị trường.
Nghiên cứu này chứng tỏ phương pháp cắt mắt tiềm ẩn nhiều rủi ro chi phí khi tôm post và tôm giống đều bị giảm khả năng chống chịu dịch bệnh. Những chi phí (tổn thất) có thể chưa rõ ràng đến khi tôm giống được thả tại các trang trại. Những trại giống không thực hiện phương pháp cắt mắt có thể sẽ phải thả thêm tôm mẹ để bù lại mặc dù các thử nghiệm trước đây đều chỉ ra rằng tỷ lệ sản xuất nauplius có thể được duy trì thông qua cải thiện quản lý và cơ chế ăn.
Tôm con từ tôm mẹ không cắt mắt có đề kháng tốt hơn trước nhiều loại bệnh thường gặp, từ đó cho tỷ lệ sống cao hơn và giảm nhu cầu sử dụng các loại hóa chất đặc trị đắt tiền và thường kém hiệu quả; từ đó góp phần mang lại sự bền vững cho ngành tôm.
Tuấn Minh
Theo SyAqua và Viện NTTS, Đại học Stirling, Anh