Tôm – lúa ĐBSCL: Vượt khó để thắng lớn

Ngày đăng: 29/10/2021 02:19 PM

    Tôm – lúa ĐBSCL: Vượt khó để thắng lớn

    Mô hình canh tác lúa – tôm chủ yếu tập trung ở các tỉnh ven biển như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau… đang cho hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, nông dân thu về hai nguồn lợi lúa và tôm, khoảng 4 – 4,5 tấn lúa/ha/vụ và 0,45 – 0,5 tấn tôm/ha/vụ, cho thu nhập từ 100 – 130 triệu đồng/ha.

    Yên tâm đầu ra

    Trước đây, nông dân tại khu vực ĐBSCL coi việc trồng lúa – tôm là thu nhập phụ nên chỉ xuống giống và chờ thu hoạch.  Nhưng vài năm trở lại đây, người dân chuyển đổi trồng lúa ngắn ngày và các giống lúa có chất lượng gạo ngon như ST24, ST25, RVT, Jasmine… đã mang lại thu nhập rất tốt. Năng suất lúa – tôm 3 – 4 tấn/ha đã tăng lên 5 – 5,5 tấn/ha/vụ, tăng thêm thu nhập đáng kể cho nông dân. Tính ra, một vụ lúa có thể mang về lợi nhuận từ 30 – 50 triệu đồng/ha, tương đương lợi nhuận 3 vụ lúa ở các vùng canh tác 3 vụ lúa/năm. Ngoài ra, trong vụ tôm (luân canh), hoặc tôm xen canh trong ruộng lúa cũng mang về từ 50 – 100 triệu đồng/ha, góp phần mang lại tổng thu nhập khoảng 100 – 130 triệu đồng/ha tôm – lúa, cao gấp 3 – 4 lần so trồng lúa chuyên canh 3 vụ/năm.

     

    Mô hình sản xuất lúa tôm ở ĐBSCL đang mang lại hiệu quả cao.

    PGS.TS Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng Bộ phận thường trực Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, với diện tích canh tác lúa – tôm hàng năm ở ĐBSCL trên 220.000 ha, đang dự kiến tăng lên 270.000 – 280.000 ha/năm cho những năm tiếp theo. Mùa vụ chính của lúa – tôm hàng năm bắt đầu từ tháng 6 – 7 tiến hành làm đất, rửa mặn và xuống giống từ tháng 8 – 11 là dứt điểm. Nhưng tùy theo tình hình mùa mưa đến trễ hay sớm mà lịch xuống giống được điều chỉnh ở từng nơi. Năm nay, các địa phương dự kiến sẽ xuống giống sớm hơn và dứt điểm trong tháng 10. Những năm gần đây các vùng lúa – tôm đều được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên người dân rất an tâm và phấn khởi để đầu tư.

     

    Sản xuất lúa – tôm mang lại tổng thu nhập khoảng 100 – 130 triệu đồng/ha/năm

    Kiên Giang là một trong những tỉnh ven biển có diện tích lúa – tôm trên 102.000 ha được xem là lớn nhất ở ĐBSCL, hàng năm nông dân thu về hai nguồn lợi lúa và tôm, khoảng 4 – 4,5 tấn lúa/ha/vụ và 0,45 – 0,5 tấn tôm/ha/vụ. Trước đây cho thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, những năm gần đây tăng lên 100 – 130 triệu đồng/ha/năm, đồng thời tạo ra môi trường sinh thái khá an toàn, bền vững cho sản xuất lúa – tôm. Ông Lê Văn Dũng, Trưởng Phòng Thông tin và Chuyển giao kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang) cho biết, những năm gần đây, Kiên Giang đã chuyển đổi hàng chục nghìn ha đất lúa ven biển sang luân canh lúa – tôm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà còn khai thác được lợi thế của tỉnh ven biển, với bờ biển dài hơn 200 km. Ðiển hình cho việc chuyển đổi này là các huyện như: An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, biến vùng nông thôn khó khăn trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế qua mô hình lúa – tôm.

     

     

    Còn tại tỉnh Bạc Liêu, mô hình lúa – tôm đang được khuyến khích nhân rộng và thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đầu tư cho tỉnh phát triển và nhân rộng mô hình này, với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Riêng trong năm 2020, Bạc Liêu xây dựng 3 vùng sản xuất tôm sạch, lúa an toàn trên 150 ha, sau khi có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm sẽ làm cơ sở lan tỏa, nhân rộng cho những năm tiếp theo khoảng 1.200 ha.

    Dự kiến đến năm 2025 diện tích lúa – tôm của Bạc Liêu đạt 41.000 ha, riêng năng suất tôm 0,5 tấn/ha/năm, sản lượng phấn đấu đạt 20.500 tấn. Đối với lúa, năng suất đạt 4,64 tấn/ha, sản lượng phấn đấu 190.240 tấn. Qua đó, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đạt 500 triệu USD vào năm 2025 (chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).

    Nâng cao giá trị sản phẩm

    Về biện pháp quản lý đất, nước, dinh dưỡng trong canh tác lúa – tôm đạt hiệu quả cao ở ĐBSCL, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ nhận định, ưu điểm của mô hình canh tác lúa – tôm không phải muốn xuống giống lúc nào cũng được mà đợi khi mưa già hay còn gọi là thời điểm “đuổi mặn” để trồng lúa. Quy trình “rượt và đuổi” xuất hiện trong mô hình lúa – tôm, bởi vì quy trình sống của cây lúa và con tôm là đối ngược nhau. Đối với con tôm cần nước mặn hoặc nước lợ nên nông dân đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm. Khi nước mưa xuống hay nước ngọt sông Mê Kông cho vào đồng ruộng rửa mặn để phục vụ trồng lúa. Ưu điểm tiếp theo mà GS.TS Nguyễn Bảo Vệ đưa ra cho mô hình lúa – tôm là nhờ nước mặn ban đầu trong ruộng nuôi tôm trước khi xuống giống đã làm giảm độ phèn chua trong đất, từ đó giúp lúa tăng năng suất so với chỉ trồng lúa mà không kết hợp nuôi tôm.

     

     

    Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, vị trí và vai tò của lúa – tôm rất quan trọng nên hệ thống canh tác này cần phải được bảo vệ bền vững trong thời gian tới; kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học là hết sức quan trọng và cần được đưa vào sổ tay cho nông dân vùng sản xuất lúa – tôm áp dụng. Điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn khi người dân thực hiện mô hình này. Tương lai trong tất cả các sản phẩm từ lúa, tôm cần được chứng nhận và khi được chứng nhận thì sản phẩm mới có giá trị, giá bán mới cao, nông dân mới có lợi nhuận, ông Tùng nhận định.

     

     

    Theo các chuyên gia, sản phẩm mà mô hình lúa tôm đang được các nhà chuyên môn, người dân quan tâm đó là sự kết hợp dịch vụ trải nghiệm, du lịch tại đồng ruộng cho du khách có nhu cầu. Nếu người dân có gạo hữu cơ, tôm hữu cơ và còn thêm sản phẩm khác trên vùng lúa – tôm hữu cơ sẽ làm tăng giá trị sản phẩm khi du khách trải nghiệm du lịch kết hợp bắt tôm, cá. Từ đó, thu nhập của nông dân từ mô hình này sẽ tăng lên rất nhiều trong thời gian tới.

    Ngọc Trinh – Hoàng Diệu

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline