VASEP đề xuất tăng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm

Ngày đăng: 30/09/2021 11:17 AM

    (KTSG Online) – Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) – đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành thuỷ sản – đề xuất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tăng khung giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm.

    VASEP đề xuất tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm. Ảnh: TTXVN

     

    Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa có ý kiến gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đóng góp xây dựng Nghị quyết về thời gian làm thêm.

    Theo đó, sau khi tiếp cận được dự thảo Nghị quyết “Về việc cho phép không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng và được tổ chức làm thêm đến 300 giờ trong 1 năm”, ông Hoè cho biết, đơn vị này nhất trí bỏ quy định trần số giờ làm thêm trong 1 tháng để tạo điều kiện linh hoạt cho sản xuất, nhằm đáp ứng đơn hàng và ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động do dịch Covid-19.

    Trong khi đó, về tổ chức làm thêm đến 300 giờ trong 1 năm như dự thảo nghị quyết, VASEP đề xuất, tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm lên 400 giờ, không phụ thộc vào ngành nghề sản xuất, để đảm bảo bù đắp cho việc thiếu hụt lao động trầm trọng do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

    Mặt khác, VASEP cũng đề xuất bỏ tạm thời quy định thông báo về việc tổ chức làm thêm giờ theo điều 62 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

    Theo đó, khi doanh nghiệp có kế hoạch làm thêm giờ chỉ cần dựa trên thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Điều này, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí, sắp xếp kế hoạch làm thêm tùy thuộc theo tình hình thực tế của doanh nghiệp về nguyên liệu và lực lượng lao động. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thời gian làm thêm theo đúng quy định của Nghị quyết và chịu trách nhiệm hậu kiểm

    Ông Hoè cho biết, thời gian qua, khi các tỉnh, thành thực hiện giãn cách để phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, có đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng qua, 30% còn lại hoạt động cầm chừng theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến”.

    Nguyên nhân được xác định do doanh nghiệp không sắp xếp được chỗ ở cho người lao động trong quá trình thực hiện phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến”; doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do các tỉnh, thành thực hiện biện pháp giãn cách xã hội khiến cho người lao động không thể đi làm; bị thiếu hụt nguyên liệu trong chuỗi cung ứng sản xuất xuất khẩu do quá trình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn khi di chuyển liên tỉnh.

    Điều này, theo ông Hoè, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng.

    Do đó, việc đề xuất như nêu trên nhằm đáp ứng đơn hàng và ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động do dịch Covid-19.

    Báo: Kinh Tế SG Online

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline